MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại phòng đón tiếp bệnh nhân - Bệnh viện đại học Emoy (Atlanta, Georgia). Ảnh: Tâm Trương.

Đơn giản nó là Maria

TUYỀN LINH LDO | 16/04/2018 06:40
1. Nhân viên an ninh sân bay Atlanta khuya ngày 4.10.2017 ắt hẳn đã căng mắt quan sát màn hình camera ở ô có hai phụ nữ trung niên một tóc vàng một tóc đen ôm chầm lấy nhau, rồi cả hai miệng liến thoắng với nhau, rồi vỗ tay đắc chí, rồi ôm bụng gập người cười.

Tóc đen - là tôi và tóc vàng là nó - Maria người Madrid. Chẵn 20 năm mới gặp lại kể từ mùa hè 1997 ở Mátxcơva. Tiếng Nga ẩn sâu đâu đó trong tâm, trong đầu hai đứa, lúc đấy, được dịp ùa ra, đầu tiên theo cách chỉ đồ vật, đố nhau nhớ lại từ bằng tiếng Nga.

Nó: “Thang máy?”. Tôi: “Elevator”. Nó: “Nhét nhét, lift”. Tệ nhỉ, 6 năm học ở Nga, mỗi ngày vào thang mà lại quên.

Tôi: “Giấy vệ sinh - tualetnaya bumaga”. Nó cười váng, tay lái suýt lạc sang một bên trên đường cao tốc giữa khuya. Mày nhớ rồi, Maria, một ngày xuân, tao hớn hở điện thoại khoe, thứ sáu ngày 13, mà may quá, mua được 6 cuộn tualetnaya bumaga.

Những năm tháng đấy, nước Nga khó khăn về kinh tế, nhưng với chúng tôi là những tháng năm thanh xuân đẹp nhất.

6 năm, hai đứa mấy lần cùng đi xem ca nhạc, đi bảo tàng Puskin xem tranh, đi Tula thăm nhà Lev Tolstoy, đi Kolomen ngắm tranh Thánh do Rublev vẽ, và tất nhiên là bao lần lượn phố Arbat, bao lần đi bộ dưới hàng táo trổ hoa, đơm quả gần đồi Chim Sẻ cùng kể lể những chuyện linh tinh… Maria mua sách cho tôi, tặng tôi cái áo có tranh Joan Miro. Về nước, nhiều năm áo cũ tôi đóng khung thành cái tranh thật đẹp.

Cùng năm, cùng trường, khác khoa, nó học giỏi hơn tôi gấp bội lần. Ngày nó bảo vệ luận án Tiến sĩ ngôn ngữ văn chương - mùa hè 1997, lý ra mua hoa, tôi lại mua một cái bánh kem hiệu “Sữa chim”. Ôi những cái bánh kem của nước Nga ngọt ngào ngon tuyệt!

2. “Dưới nắng sớm sương long lanh, triệu cành hồng khoe sắc thắm”. Nó hát. Mắt long lanh nước. Đúng ngày sinh nhật thứ 50 của mình, ngày 5.10, nó lái xe đưa chị em tôi tới đại học Emory. “Có mày sang, tao mới dám nghỉ việc một ngày. Ôi sung sướng!”, nó hớn hở dẫn chị em tôi thăm ngôi trường 171 tuổi danh tiếng - “một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực đông nam nước Mỹ”.

Tiến sĩ, chuyên gia ngôn ngữ - văn học Nga, bây giờ nó là phiên dịch tiếng Tây Ban Nha ở Bệnh viện đại học Emory. “Tao yêu thích công việc mới của mình, dịch giúp bệnh nhân không nói được tiếng Anh.”

Ở Atlanta, cộng đồng người nước ngoài, xếp về lượng đông, sau nhóm nói tiếng Tây Ban Nha (chủ yếu là Nam Mỹ), là Hàn Quốc, thứ ba là Việt Nam. Chúng tôi đã gặp Thảo, cô gái giọng Nam bé xinh, mắt sắc lẻm, qua Mỹ từ nhỏ, đồng nghiệp của Maria. Thảo và một anh nữa là phiên dịch cho bệnh nhân người Việt. Thảo đang bận dịch giúp vợ chồng anh Đức, nên cũng chẳng nói chuyện gì nhiều. Em vui vẻ: “Gặp người bên nhà qua, nghe tiếng Việt, mừng lắm đó! Maria yêu nghề, một workaholic thứ thiệt (người nghiện việc)”

Dạy ở một hai trường đại học, chuyển từ bang nọ tới bang kia, rồi neo lại ở Duluth, mở lớp dạy tiếng Tây Ban Nha, từng phải khóc vì học sinh, có một vài mối tình, có người bạn Nga, nhưng toàn nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh… Nếu chỉ kể lại với mày gọn thế, mày làm sao hình dung ra hết 20 năm tao ở Mỹ. Tao có lẽ, cũng chỉ là một di dân bình thường như hàng triệu người đã tới Mỹ mà thôi. Tao cảm ơn số phận cho tao gặp Mark - người đàn ông của cuộc đời. Maria mỉm cười thanh thản.

Tôi lồng vào tay mình chiếc nhẫn vàng tây đá Topaz xanh mỏng mảnh nó tặng. “Hai đứa mình giống nhau, thích vòng nhẫn linh tinh, nhỉ. Chẳng hiểu tại sao, những đồng tiền đầu tiên khó nhọc kiếm được bằng sức lao động của mình những ngày đầu tiên sang Mỹ, tao lại dùng để mua ngay chiếc nhẫn…”, nó cười, tay thon xoắn một lọn tóc vàng óng ả - điệu bộ khi nó chút bối rối.

Vì đơn giản mày là phụ nữ, là Maria đấy.

Gợi ý dành cho bạn