MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dưới đáy chén trà

MINH THI LDO | 19/10/2018 06:40
Tôi ngồi cùng chị trong căn nhà nhỏ bên khay trà nghi ngút khói. Chúng tôi uống chầm chậm thứ nước thơm đỏ như nước mai. Tôi khẽ kêu “ngon quá”. Còn chị, vẫn đăm đắm nhìn xuống đáy chiếc chén trong tay tựa hồ ở đó có con mắt nào đang cười với mình, “Trà con gái nuôi mua đấy!”.

Người mách bảo và mang về cho chị gói trà bancha đầu tiên là cô con gái nhỏ. Trước khi đi du học, cô mua cho mẹ cuốn sách thực dưỡng cùng những gói trà khô.

“Trà bancha được hái lúc đã được 3 năm, uống về đêm không bị mất ngủ, lại có tác dụng dưỡng tim nữa, mẹ ạ. Khi uống, trà có vị thơm và bùi, mẹ sẽ hết hẳn lo âu hay phiền muộn. Nhưng nhớ thì đừng khóc nhé”, cô con gái cười giòn tan.

Nhà chỉ có 2 mẹ con, nên khi con gái đi học, chị có cảm giác như lạc đâu mất một nửa.

Thế rồi, nỗi nhớ cũng nguôi ngoai khi con chị phấn khích kể về cuộc sống bên đó. Bỗng đâu một ngày, người ta thông báo con gái chị bị bệnh nặng, phải nhập viện. Cuối cùng chị bay sang bên kia để đón con về. Nhìn khuôn mặt trắng bệch vô hồn của con - cô gái xinh đẹp từng nhận được học bổng với một tương lai xán lạn - chị chỉ muốn ngã quỵ. Cắn răng để không bật ra nước mắt.

Và ngày đó cũng đến, con gái sau những ngày dài thiêm thiếp bỗng mở to mắt nhìn căn phòng và những đồ vật thân thuộc. Cô nhờ mẹ mở kinh Sám Hối trong YouTube và đưa cho chị một mảnh giấy, không quên nói “Mẹ hãy đọc sau nhé. Con xin lỗi vì sẽ không được ở bên chăm sóc mẹ”.

Chị mất hồn trong ngày đưa tiễn con. Cả tuần sau mới mang bức thư ra đọc. Trong thư, con bé viết: “Cuộc đời con thật quá ngắn ngủi, nhưng con đã vô cùng hạnh phúc vì được làm con của mẹ. Con tin có kiếp sau, và con sẽ lại về với mẹ. Mẹ đừng quá đau buồn, mẹ nhé. Ở bên kia con sẽ không vui đâu. Còn một điều này, có rất nhiều những số phận như con luôn cần sự sẻ chia. Bằng cách nào đó, mẹ hãy đem niềm vui và lòng nhân hậu của mình chia cho họ, như ngày xưa mẹ từng chia kẹo cho con và cả những đứa trẻ xa lạ gặp trên đường. Như thế, cô đơn sẽ không bao giờ săn đuổi được mẹ”.

Cuối thư còn có địa chỉ của hội những bà mẹ mất con. Suốt một thời gian dài, chị gần như không trụ nổi. Nhưng đến một ngày, như có điều gì thôi thúc, chị cầm bức thư lên và gọi điện. Một giọng nữ thanh thoát vang lên và rồi, mọi cảm xúc vỡ òa, chị nấc nghẹn kể về cô con gái của mình. “Hãy đến đây, chúng ta cùng uống trà và có thể làm điều tốt nhất cho chị” - giọng nói rành rọt khích lệ.

Sau đó, chị gia nhập hội, thường xuyên đến thăm những đứa trẻ bị bệnh, tìm nguồn hỗ trợ viện phí, an ủi những bà mẹ mất con. Chị lao đi khi có người cần giúp.

Đến một ngày, chị ngất lịm trên đường vì kiệt sức, bỗng một cô gái xuất hiện, lay gọi thảng thốt làm chị tỉnh lại. “Cháu là con bé dạo nọ được cô tới thăm và trả viện phí, cô còn nhớ không? Cháu về quê chăm mẹ bệnh một thời gian thì mẹ mất, giờ cháu về lại Sài Gòn đang muốn tìm cô cảm ơn và xin cô cho cháu được làm con nuôi của cô”.

Nước mắt đầm đìa, chị ôm lấy con bé mà tưởng như gặp lại được chính đứa con gái thân yêu.

Gợi ý dành cho bạn