MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường lên núi Thanh Thành. Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc tháng 9.2018. Ảnh: Tuyền Linh.

Giá mình bay được như tiên

TUYỀN LINH LDO | 16/10/2018 07:17
1.“Bà cứ gọi con là Thị. Cả làng con bây giờ trẻ con đẻ ra tên lót con gái vẫn có Thị, con trai vẫn có Văn. Kiểu như là Phàn Lê Thị Quyết Nhanh, Trần Phan Văn Quyết Chiến”. 

Nói hết câu, nó cười tít mắt lá răm. Tôi bật cười. “Bà gọi mày là Thị Hóm nhỉ?”. Nó cười “Bà ngoại con kể, làng trước kia có nhà đặt tên con kiểu như Sản Sinh Giai Gái Thêm Nữa Lại Thêm Thắt Tình. Đông con vỡ mặt nuôi, cơ mà vui, có chị có em. Chả như nhà con, sinh gờn mâm (nó nói tiếng Anh “bồi”, có nghĩa Mẹ đơn thân) cả bà cả mẹ”.

2.Thị là một trong lý do chính hằng tuần tôi đều về khu nhà cũ đi chợ. Thị bán rau. Bên ngoài áo khoác chi chít hình chim hoa bướm xanh đỏ, Thị luôn mặc áo thun ngắn tay màu hường, ngực thêu rõ chữ một công ty may. “Con mặc áo này để người ta biết con từng là công nhân may. Công nhân giờ đã đi bán rau thì là người bán rau tử tế. Đi may, cả ngày cắm mặt vào máy, chả được nói chuyện với ai. Ra chợ, vất một tí, vui lại nhiều tiền hơn. Với lại, ra chợ còn gặp anh nọ, anh kia. Con không muốn làm sinh gờn mâm như bà, như mẹ”.

3.Rồi cũng đến lúc vắng khách, khi chỉ có hai bà con, Thị vừa tước giúp tôi rau bí, vừa kể, “ông ngoại quê gốc Tứ Xuyên bên Trung Quốc, ăn ớt giỏi lắm. Bà bảo quê ông ngoại có một ông rất giỏi, người ta hay làm phim, tên Gia Cát Lượng. Còn bố con á, mẹ bảo, ông ấy là công nhân máy xúc, hơn mẹ vài tuổi, to khỏe như trâu, đẹp giai có râu, làm đường qua làng, tiện thể “xúc” luôn cả mẹ, xong việc biến luôn”.

4.Hai mẹ con Thị từ vùng phía Bắc rất nhiều núi đấy, giờ sống nhà trọ gần bến xe Miền Đông, mẹ bán củ quả cuối chợ, con bán rau giữa chợ.

“Quê con có núi. Hồi bé con thích làm cô tiên (suýt nữa thì tôi buột miệng, ngày bé bà cũng thích có cánh bay được như tiên. Bao nhiêu đứa bé gái bấy nhiêu đứa mơ mình thành cô tiên!). Hay thôi, làm con chim con bướm cũng được, con chim lông xanh biển biếc biềng biệc ấy, bay bay, ngó xuống, biết đâu, thấy ông ngoại rồi thấy bố đâu đó. Thấy bố thì hỏi ông nội. Muốn thấy ông ngoại phải bay xa hơn. Con bảo mẹ, tiết kiệm tiền đưa bà đi chơi Trung Quốc nhá. Bà ngoại bảo, biết ông ấy cụ thể ở đâu mà tìm. Mấy năm rồi, hai mẹ con chưa về Bắc với bà. Bà ngoại con hơn bà mấy tuổi, tóc chưa bạc nhá, có quyển truyện cũ nát toàn in chữ Tàu ông ngoại để lại, cất kỹ lắm…”

5.Tôi nhớ tới Thị khi leo núi Thanh Thành cách Thành Đô (Tứ Xuyên) gần 20km. Từ ga tàu điện ngầm Xipu mua vé tàu nhanh hết 10 tệ, đi nửa tiếng thì tới núi.

Tới Thành Đô, tôi quyết định ngoặt bước, leo Thanh Thành, ngoài việc biết từ năm 2000, Thanh Thành và công trình thủy lợi Đô Giang Yển được UNESCO công nhận là “Di sản thế giới”, còn vì “lỡ” đọc “Mùi hương trầm” của Nguyễn Tường Bách. Anh Bách lên Thanh Thành từ hơn chục năm trước. Tôi, như phần đông, vừa xài cáp treo vừa leo bộ lên tới đỉnh Laoxiao cao nhất ở độ cao 1.260m, nơi có điện thờ Thái Thượng Lão Quân.

Thanh Thành tháng chín mà xanh ngằn ngặt. Có nhiều cổ thụ dáng dấp lạ kỳ đeo biển đề tuổi ngàn năm. Tôi phồng mũi hít thở khí mát trong căng buồng phổi rồi căng mắt nhìn xem quanh đó có… tiên không. Tiên bẩm sinh và người tu tiên bộ dạng khác nhau không? Tiên nước mình khác gì tiên nước người? Nghĩ tới thế thì bật cười. Chả biết cái Thị nó mơ thành tiên theo kiểu thế nào? Nó hóm thế, có khi lại chả nói đùa, “giờ muốn thành tiên, con phải kiếm tiền đã, công nhân bán rau ngon, nhặt tiền mỗi ngày. A hi hi Tiên Rau”.

Năm nay, 2018, Thị mới 22.

Gợi ý dành cho bạn