MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giấc mơ hạnh phúc

NGUYỄN THÙY LDO | 09/07/2018 06:47

Miền Trung những ngày mùa hạ, gió nồm hanh nóng, mây âm u nhưng mưa không nổi một giọt. Tiếng ho khàn đặc từ nhà ông Sáu - người hàng xóm nằm liệt giường nhiều năm nay vọng lại khiến má tôi giật mình. “Ngày ngoại bây còn sống cũng rứa đó”.

Bà ngoại tôi cũng từng nằm liệt một chỗ, 10 năm ròng sau một lần bị ngã. Ngoại mất năm tôi 15 tuổi nhưng trong kí ức của mình, hình ảnh ngoại rất mơ hồ. Bà chưa bao giờ nhớ tên mấy anh em tôi.

Chuyện bắt đầu từ khi má quyết định lấy ba tôi. Một người đàn ông tha hương, tay trắng. Ngày cưới của má, ngoại giận bỏ qua nhà người thân. May có ông ngoại thương, ba má được ở cái chòi dựng gần nhà ông bà.

Mấy năm trời, má phải đợi ngoại nấu cơm xong mới dám mượn bếp. Có hôm anh trai tôi khóc vì đói, má đội nắng nhóm bếp giữa trời nắng, ngoại cũng chẳng thèm ngó qua. Bốn anh em tôi chưa một lần được ngoại ẵm bồng, cưng nựng. Ngoại có hàng tạp hoá, nhỏ thôi nhưng đủ thức quà làm trẻ con mê mẩn, vậy nhưng chỉ có những anh chị họ tôi được ngoại vẫy gọi cho những viên kẹo xanh đỏ, cái bánh tráng dừa thơm ngậy, chúng tôi chỉ đứng từ xa.

Cho đến một ngày, ngoại vào nhà tôi. “Mấy bữa nay tự dưng thấy mệt mệt trong người, con rảnh thì chở má đi khám”. Má tôi sững người vài giây rồi gượng giọng, chứ con trai con gái má nhiều vậy, sao má kêu con làm chi. Ngoại quay đi, bà không nói gì cho đến lúc về.

Chiều đó, má tôi không nấu cơm mà nằm khóc. Sáng hôm sau, má gọi tôi dậy thật sớm, rồi mắt nhắm mở, tôi chạy ù ra nhà ngoại. “Ngoại, ngoại, má con nhắn ngoại thay đồ, má chở đi khám”. Vài tháng sau, bệnh ngoại trở nặng, cơn chóng mặt làm ngoại ngã gãy chân. Má hay tin liền chạy vào viện, giữa lúc các cậu, các dì loay hoay, má chen vào, lật nghiêng ngoại lại, hô mọi người phụ xốc ngoại lên lưng má. Rồi mình bà cõng ngoại lên xuống 3 tầng trung tâm y tế. Má vừa cõng vừa khóc, vừa dỗ ngoại: “Ráng ráng má nghe”.

Ngoại nằm một chỗ từ dạo đó. Mấy năm đầu bà đòi ở nhà cậu hai, lúc thì qua nhà cậu năm, khi thì cậu bảy đón về vì ngoại trách “mấy mợ không thương”. Chỉ riêng má tôi, dù ngoại ở đâu, chiều nào má cũng lật đật xách ấm nước nóng vào lau người, đấm bóp cho ngoại. Có bữa má vô muộn, ngoại kêu các cậu gọi, sao con bốn chưa vô, ta đau quá.

Có lần, nhà tôi làm giỗ, má nấu cháo dặn tôi mang vô cho ngoại. Tôi phụng phịu mặc cả, con chỉ mang vô để đó rồi về thôi. Lúc đến nơi, đang ngơ ngác dòm vào căn phòng ngoại nằm, tôi thấy bà trở mình dậy khó nhọc. Bất giác tôi chạy lại đỡ lấy lưng ngoại. “Để ngoại tự ăn”. “Thôi để con đút cho” - tôi vừa nói vừa múc muỗng cháo thổi phù phù. Má cũng đút ngoại ăn như thế này. Tự dưng thấy thương quá.

“Con Thi hả?”. “Dạ không, con là Dương” - đó là lần đầu tiên tôi nói tên cho bà biết. Một năm sau thì ngoại mất. Thôi, thế cũng yên, một kiếp người, những giày vò bệnh tật với ngoại đã qua và má tôi cũng không còn vất vả nữa. Nhưng rồi sau đó má cũng chẳng chịu ở nhà. Chiều nào bà cũng chạy xe gần 30 cây số về thăm mộ ngoại. Ai lỡ nhắc đến ngoại, má lại khóc mếu máo. Đến lúc đi lại không tiện nữa, bà chụp bức ảnh đứng cạnh mộ, treo trong nhà, “lâu lâu nhìn đỡ nhớ”.

Những ngày trở trời, cứ ê ẩm người là má lại nhớ ngoại. Tiếng ho mỗi đêm từ nhà ông Sáu vọng sang càng khiến má không ngủ được. “Mấy ngày như ri ngoại bây hay gọi má vô xoa lưng lắm, gọi miết”.

Đêm qua tôi nằm mơ, thấy ngoại còn sống như hồi nào. Tôi thấy má vui lắm, chạy đi mua cái này cái nọ cho bà ăn, còn nấu cả bồ kết, hương nhu gội đầu cho ngoại nữa. Sáng ra, nghe tôi kể, má rơm rớm nước mắt, nói như dỗi, rằng tôi có phước. Còn má thì cứ mong hoải mong hoài...

Gợi ý dành cho bạn