MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Buýt Hà Nội". Tranh màu nước của Nguyễn Văn Sơn (Jack Son)

Hà Nội buýt

Tuyền Linh LDO | 28/08/2017 06:40

1.“Nghĩa trang chiều vắng tanh”. Không muốn nghe, mà câu hát nhão nhoẹt thoát từ cần cổ tay ca sĩ quá thời cứ đập vào màng nhĩ.

6 giờ sáng, buýt mới có 3 khách, thằng bé soát vé xoạc chân dựa ghế số 1 gục đầu lim dim mắt. Đường còn vắng, tài xế lao buýt khá nhanh. Tao sột soát lôi từ trong bọc nylon từ trong túi da nâu khăn đen quàng cổ. Loa mở hết cỡ, âm điệu nhão nhoẹt cù cưa “nghĩa trang chiều vắng tanh”. Rồi là tới bài thoát từ cần cổ nữ hoàng phòng trà nức nở giọng mượn “khóc than đời quạnh hiu”, rồi là “màn đêm tịch liêu”.

Bố khỉ! Tao văng thầm trong đầu. Nếu một ngày mới nào, mấy chục con người cũng cùng mở đầu bằng việc tai phải nạp những thanh âm nhừa nhựa thế, những lời như thế, còn đâu hứng khởi cho công việc? 

Chính ngọ, buýt chật như nêm. Lại nghe nức nở ngắt quãng câu hát “lời anh đã hứa/sao giờ anh quên”, nhưng là từ một chương trình của radio.

“Âm nhạc thanh cao có thể làm cho tâm hồn cảm thông mà sinh ra sự sáng suốt”. “Mưa dầm thấm lâu”. Vấn đề không phải ở những từ đại loại “cô đơn, tịch liêu…”, mà với tao, đó là từ đấy được thả trong âm điệu thế nào, thoát ra từ những cái cổ họng thế nào lọt tai mình và đi vào… não.

Âm thanh - thứ có thể quyết định cảm xúc con người. Nghe mãi, hoài, thường những thanh âm nhão-nhựa-buồn từ những cái cần cổ nức nở, thì thần kinh mình thật “còn gì đâu nữa mà mong”?

2. Hộp nhựa loại khóa tốt - bà áo xanh lá mạ hoa tai nhựa giả ngọc trai lấy ra từ túi nilon. “Cô xơi cơm rang dưa bò?” - bà cụ mặc bộ nâu sòng ngồi kế bên hỏi. “Dạ, cháu tranh thủ tí. Tới viện, trà nước bưng bê ngay, không có thời gian ăn sáng”. “Tôi chồng mất 10 năm nay, chay trường 10 năm nay, đi chùa 10 năm nay bằng buýt, thích nghe kinh Pháp Hoa”, bà cụ cười sột soạt túi nilon lấy ra khẩu trang in hoa và che miệng.

Hàng trên, phụ nữ trung niên váy đen lụa nhân tạo sột soạt túi nilon lựa những lát khoai lang Nhật cắt gọn ghẽ. Làm sao trong 20 phút, chỉ qua mấy trạm buýt ăn hết 3 khấc khoai bự, không uống nước mà không bị nghẹn? Tao thường ám ảnh bởi chuyện ăn và cách ăn.

Bên cạnh phụ nữ ăn khoai, một trung niên đàn ông, nói chữ là “mày râu nhẵn nhụi/áo quần bảnh bao”, theo ngôn ngữ bọn trẻ Hà Nội bây giờ là “trông rất nhoáng”, nghẹo đầu dựa cửa ngủ ngon lành, dưới chân kẹp túi nilon đỏ, bên trong có cặp lồng bằng nhựa melanin in hoa.

Cái đầu hay tự diễn biến của tao suy diễn, sáng sớm đã tranh thủ ngủ, mang theo cặp lồng, ông thăm nuôi vợ hay người tình? “Cao thủ không bằng tranh thủ” - câu đùa của ông thầy điên mắt lác của tao nói vui hôm bữa, ăn nhập/chả ăn nhập gì với những chuyến buýt thế này?

Sài Gòn tao cũng thường đi buýt. Tài xế tuyến nội đô hay bật radio. Tuyến buýt đường dài cũng thường vang não nề âm điệu của câu “đời tôi cô đơn”... Buýt Sài Gòn, tao thi thoảng còn le te nói tài xế mở nhạc khẽ giùm. Buýt Hà Nội thì chả dám.

3. Một thôi, một hồi nó kể với tôi những chuyện đấy. Bạn với nhau từ hồi bé chút tẻo, 25 năm mới gặp lại, nó lại phăm phăm kể những chuyện trời ơi.

“Đường em, em đi, em đi/đường anh, anh đi, anh đi”. Ơ hơ hơ, nó cười ngặt nghẽo. Cứ phải nghe mãi, thành ra phải nhớ. Trên “chuyến xe cuộc đời”, nhìn cho kỹ, nghĩ cho lâu, chính xác là thế, nữa là chuyến buýt của mỗi ngày, nhỉ. Nó hỏi tôi. Tôi cười “mày hỏi tao, tao biết hỏi ai?”.

Tôi bây giờ sống ở ngoại ô Hà Nội. 30 năm nay chưa bao giờ phải “một mình lê bước bơ vơ” hay đau đớn “còn gì đâu nữa mà mong”. Cả nhà đi lại bằng xe riêng. Nhạc trong xe, toàn không lời và giao hưởng, chồng mở vừa đủ nghe.

“Hết thảy mọi thi vị động niệm của con người, đều không ra ngoại các hành vi “nói, nín, động, tịnh”.

Nhạc cũng vậy, hả mày?

Gợi ý dành cho bạn