MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hãy tha thứ

NGUYỄN THÙY LDO | 22/09/2017 06:26
Tôi dừng bước ở kệ sách của những tác giả mới. Lê Dương Thể Hạnh - ồ, cuốn thứ 2, tôi mỉm cười với cái tên trên bìa sách, thế mà trong email trò chuyện với tôi hôm qua, bà chị chả thấy nói gì về cuốn mới này. Chắc có lẽ mải việc rồi nhãng đi.

Chị Lê Dương Thể Hạnh. Ảnh: NXB Phụ nữ.
Tôi nhớ chị. 10 năm trước, chị 27 tuổi, xinh đẹp, là thư ký của Tổng giám đốc một tập đoàn nước ngoài. Ngày cưới cận kề và ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ cũng đã được trang hoàng. Khi sắp sửa chạm vào trái cây hạnh phúc thì chị phát hiện mình bị u não.

Bất ngờ, nhưng mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Các bác sĩ yêu cầu chị phải mổ sớm. Cuộc phẫu thuật không có gì khó khăn, tỉ lệ biến chứng khá nhỏ. Chị tin vào sự tiên lượng và chọn hướng điều trị trong nước, bỏ qua những cân nhắc của gia đình về việc ra nước ngoài.

Thế nhưng, tất cả đã nhầm, khối u khi mổ ra, lập tức phải khép lại và người nhà vội vã chuyển bệnh nhân đi Singapore. Không thể ngờ di hại sau cái ngày bước vào phòng mổ ấy, qua đây, chị Hạnh đã phải trải liển thêm hai cuộc đại phẫu, đau đớn tàn hại với 27 tia xạ trị.

Kết cục, cô gái thông minh, xinh đẹp trở thành người khuyết tật nặng. Tai điếc, mắt mù, miệng méo xệch và nằm liệt giường. “May mà còn sống”, câu nói an ủi của nhiều người càng cứa sâu vào lòng cô gái trẻ.

Chị Hạnh cắt đứt liên lạc với người yêu dù anh tình nguyện ở bên chăm sóc. Chị rời bỏ Sài Gòn, nơi lưu giữ phần đời rực rỡ nhất để về lại quê nhà. Đó là những tháng ngày kiệt quệ và tăm tối. Cho đến khi chị nhận ra tình yêu của cha mẹ không một phút nào rời khỏi đứa con gái bất hạnh của họ. Chị Hạnh gượng dậy tập đi, tập nói. Chị đánh vật với phần mềm máy tính dành cho người khiếm thị với một nghị lực nghiệt ngã: Trở lại cuộc đời.

Và Lê Dương Thế Hạnh đã trở lại với cuộc đời. Chị bắt đầu mở rộng quan hệ cộng đồng, viết sách về cuộc đời của chính mình, tham gia các diễn đàn về vấn đề người khuyết tật, mở các lớp dạy tiếng Nhật, tiếng Anh cho trẻ em khiếm thị trên Internet và soạn từ điển hai ngoại ngữ trên dành riêng cho lớp người này.

Tôi nhiều lần gặp chị và cứ muốn ngắm mãi những tay thon dài, trắng trẻo, chút vết dấu của tuổi thanh xuân còn nguyên vẹn. Có lúc tôi đã nắm chặt đôi bàn tay ấy để khỏi bật lên tiếng khóc.

Thế nhưng, trong mọi cuộc chuyện trò, khi ai đó nhắc lại quá khứ và căn phòng phẫu thuật vào ngày định mệnh ấy, thấy chị dịu dàng và bình thản lạ lùng. chị nói như chỉ cho mình nghe:

“Họ thừa nhận đã sơ xuất. Chị giận lắm, giận phát điên lên, không thể chấp nhận việc mình bị mù.

Nhưng em à, không một ai trong căn phòng phẫu thuật hôm ấy muốn chị thành ra thế này. Lựa chọn bước vào nơi ấy cũng là của chị. Không ai có thể thay đổi việc đã xảy ra rồi. Cũng không ai vui bởi điều đó cả. Vậy thì sau cùng, hãy tha thứ, đó là cách tốt nhất để lòng mình thanh thản”.

Gợi ý dành cho bạn