MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khói bay lên một màu nghèo khó

HOÀNG VĂN MINH LDO | 18/05/2018 06:35
Vừa chạm biển, chưa kịp hoàn hồn sau chặng đường dài thì bất ngờ nghe có mùi gì như khói. Đảo mắt một vòng thì phát hiện mình đang rất gần một cái lò hầm than âm ỉ cháy, nhìn đẹp mơ màng trong nắng trưa.

Ngạc nhiên như trong phim là “ôi thần linh ơi” bởi giờ đây, chốn này vẫn còn người hầm củi thành than để kiếm cơm qua ngày.

Nhớ năm nào đó ở tận cùng Cà Mau, cũng trên một vùng biển như thế này. Tôi cùng đồng nghiệp đi dò hỏi về những phận người nghèo khó phải kiếm cơm bằng “nghề” chặt phá rừng lấy củi về hầm than.

Chiều đó vừa đặt chân vào hiên một gia đình nghe nói chuyên hầm than, đã thấy trong nhà bao nhiêu người là bấy nhiêu gậy gộc giáo mác túa ra giận dữ bởi “không biết hai thằng mày là thằng nào, đến đây với mục đích gì”. Ấy vậy mà sau khi nghe hai đứa lễ phép trình bày “tụi cháu là nhà báo, nhỏ giờ chưa thấy cái hầm than nó lớn bé vuông tròn thế nào, nghe bảo nhà chú có hầm than nên muốn đến xem cho biết”, là ai nấy thở phào, mặt mày giãn ra.

Chủ nhà dẫn hai đứa đi xem hầm than đang ngụy trang rất kín ở sau vườn nhằm qua mặt cơ quan chức năng, rồi giết gà đãi rượu. Người miền Tây là thế, chỉ trong chớp mắt yêu ghét rõ ràng. Rượu thịt dọn lên. Nhưng hai đứa chẳng ai nuốt nổi bởi chuyện nghe rất đắng. Con trai chủ nhà vừa rót rượu vừa kể “em mới được ra tù hơn 3 tháng. Lý do chống người thi hành công vụ trong một lần vào rừng chặt cây về hầm than thì bị phát hiện”. Bảo “biết chặt cây, hầm than là sai nhưng ở đây không làm như vậy thì không biết làm gì để có ăn ngày ba bữa…”.

Bây giờ thì tôi đang hầu chuyện những người Đàng Hạ, tộc người bí hiểm và nhiều huyền thoại trong một góc núi tận cùng của vịnh Vân Phong ở Khánh Hòa. Thời gian hình như đang quay ngược về những năm tháng nào đó xa xôi. Khi tộc người da đen, tóc quăn, mày rậm, ngươi vàng... không biết từ đâu tới chốn này lập làng riêng. Họ sống một cuộc sống không tích lũy, không ngày tết; trai gái ưng nhau thì cứ về ở với nhau không cần cưới hỏi. Họ ở sát chân sóng nhưng không biết đi biển, cũng không biết làm ruộng, nuôi gia súc, không có nghề thủ công. Họ sống chủ yếu bằng nghề hầm than.

Là đang kể chuyện cũ. Chứ người Đàng Hạ bây giờ đã cộng cư, “lai tạp” với rất nhiều cư dân khác và chẳng có điều gì trong cuộc sống của chúng ta làm họ ngỡ ngàng, kể cả nghề đi biển. Nhưng không hiểu sao sau chừng ấy năm họ vẫn sống trong nghèo khó, xa lạ với thế giới quanh mình. Và cái hầm than đang tỏa khói rất đẹp đẽ trong nắng trưa ấy không phải là chứng tích kỷ niệm mà là nguồn sống gần như duy nhất của không ít gia đình dù “hầm khoảng 9 ngày thì cho ra một mẻ than bán khoảng 1,5 triệu đồng”. Và củi ở đâu ra? “Thì trên núi hái xuống” cùng ánh mắt của những người Đàng Hạ thoáng chút lo sợ. Rồi chợt ai đó giả lả cười nói: “Của một ông chú ở bên Đầm ông thấy thương nên mang qua cho, nhiều lắm, hầm mãi không hết…”.

“Ông chú bên Đầm” chắc là một ý niệm. Và hình như lò hầm than của người Đàng Hạ ở xứ trầm hương công khai, to bè, khói tỏa thanh thoát chứ không đục khói, be bé, lén lút ngụy trang như ở miền biển Cà Mau năm nào tôi gặp. Nhưng những phận người sau những hầm than ấy thì ở đâu khói vẫn bay lên một màu nghèo khó…

Gợi ý dành cho bạn