MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Núi thiêng Shasta nhìn từ trung tâm thành phố Mt Shasta, California. Ảnh : Tâm Trương

Là James Ray, từ bộ tộc Wintu

TUYỀN LINH LDO | 20/10/2017 06:57
10 độ, trời Bắc California trong xanh ngắt không một gợn mây, hai chị em áo mũ khăn len lới phới chờ taxi rước lên núi thiêng Shasta. Đúng 10 giờ, taxi xịch tới. Tay lái xe thong dong áo phông ngắn tay, hai cánh tay xăm trổ kín, khuỷu tay rõ vết xóa xăm, đầu đinh rõ chân tóc lún phún bạc, mặt hiền nhưng cũng...ngầu. Tôi ngại ngại hỏi “Anh không phải là người ngoài hành tinh đấy chứ?”. Tay lái xe bật cười: “Ồ không, tôi là James Ray, người Mỹ bản địa, bộ tộc Wintu - Native American Wintu tribe”.

James là người Mỹ bản địa thứ 5 tôi gặp sau 2 tuần tới Mỹ. 9 ngày trước đấy, chiều 3.10, khu vực họp báo ngoài trời phía Đông Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ - thủ đô Washington (House Triangle Capitol Hill), tôi tự dưng rơi vào sự kiện báo chí “Di sản bộ tộc và Đạo luật bảo vệ gấu xám Bắc Mỹ”, nghe đại diện từ Piikani Nation Sioux Tribe, Hopi tribe, Shohone - Bannock tribe lên tiếng bảo vệ loài gấu xám. Kelly Nokes - luật sư bảo vệ động vật hoang dã ở Misoula, Montana nói: “Từ đầu năm 2017 tới nay, ít nhất 28 gấu xám vùng Greater Yellowstone bị giết. Thảm họa! Gấu xám - biểu tượng tâm linh, văn hóa quan trọng với nhiều bộ tộc Mỹ bản địa. Đó còn là biểu tượng đặc biệt của nước Mỹ về sự vững chãi, tự do. Thiên nhiên hoang dã cần phải được tôn trọng. Chúng tôi sát cánh cùng người Mỹ bản địa, các nhà khoa học bảo vệ gấu xám hôm nay và trong tương lai”.

“Quanh vùng núi thiêng Shasta này còn có nhiều gấu xám không?” - tôi hỏi James. “Tôi không rõ lắm. Ngày thứ 3 đám cháy kinh hoàng ở Bắc California, tôi chạy trên cao tốc, chợt thấy con gấu đen ngay ven đường, nom nó buồn thê thảm. Các chị may đấy, lên núi ngày trời quang đãng rõ đỉnh núi thiêng. Mấy ngày trước, cách 405km, khói từ Santa Rosa loang về thành phố Mt Shasta mờ mịt hết.”

Chị em tôi thinh lặng. Gần như cùng thời điểm, Bắc California, nước Mỹ chịu thua giặc lửa, ở Việt Nam, nhiều vùng chịu giặc nước tàn phá. Những người đàn bà Mỹ lặng người trên nền nhà hoang tàn sau đám cháy. “Thượng đế, Ngài ở đâu khi lũ lụt ở Texas, Florida, khi cháy rừng ngùn ngụt ở California” - trên báo Mỹ, mấy ngày qua độc giả đặt câu hỏi. Những người đàn bà Việt mắt loáng nước thẫn thờ giữa bộn bề đồ đạc trong căn nhà ngập nước. Tôi đã xem đi xem lại videoclip 6.000 con lợn chết ở Thanh Hóa, những bức hình Chương Mỹ biến thành “Venice”. Và đồng bào mình lại nhẫn nại chung tay giúp người bị nạn.

“Vợ tôi là người Mỹ chính hiệu, tóc đỏ. Anh cô ấy gia đình khá giả ở Santa Rosa. Nhà anh ấy cháy rụi. Nhà nào mua bảo hiểm thì đỡ. Nhưng sẽ có những đợt quyên góp thực phẩm giúp các nạn nhân. Chắc chắn, mọi người sẽ gượng dậy, mạnh mẽ và làm lại từ đầu” - James nói.

“Tôi đọc trên mạng: Năm 1931, khi vụ cháy rừng dữ dội quét qua núi Shasta. Theo người dân địa phương, một màn sương mù bí ẩn không biết từ đâu đã xuất hiện, bao quanh vùng cháy như một đường phân cách hoàn hảo khiến ngọn lửa bị uốn cong không thể chạm tới vành đai trung tâm...”- tôi nói với James.

Anh mỉm cười “OK. Shasta - ngọn núi của năng lượng tâm linh, đầy ắp điều bí ẩn, truyền thuyết, chuyện cổ tích với chủng tộc người Lemuria từ 12.000 năm trước, thành phố Telos ngầm trong lòng núi, người ngoài hành tinh, UFO...gọi bao nhiêu người đến hành hương, dự đại hội tâm linh hay đơn giản chỉ là leo núi. Anh họ tôi, một người vô cùng nghiêm túc, chưa một lần dối trá khẳng định với tôi, anh đã nhìn thấy người Lemuria. OK, tôi tôn trọng tất cả các đức tin, lý tưởng khác nhau của mọi người. Không nên nói Thầy của tôi hay hơn Thầy của anh. Tôn trọng nhau, sống hòa hợp trong sự khác biệt luôn là điều khó. Trân trọng, sống hòa hợp với Mẹ Thiên nhiên cũng khó vô cùng! Với tất cả các nạn nhân ở khắp nơi, tôi luôn cầu mong điều kỳ diệu đến với họ...”

Và chúng tôi cũng mong vậy, James à.

Gợi ý dành cho bạn