MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Lại nhớ Đô-Ly

ĐỨC LỘC LDO | 06/04/2018 06:40
Đô-Ly là tên con chó cỏ đen tuyền nhưng lại có bốn mắt, nhà tôi nuôi mười mấy năm trước. Mẹ tôi xin nó về khi mới bằng cổ chân, gia đình dì đang chưa biết tống đi đâu vì ghẻ quá.

Tôi nấu lá lồng bệt tắm cho cả tháng trời và liên tục bồi dưỡng cháo khoai, 2 tháng sau lông con vật bắt đầu mọc lại, dày óng lên từng ngày. Tôi đặt tên Đô-Ly theo tên con cừu nhân bản vô tính trong sách mà tôi học được.

Đô-Ly có đốm ở lưỡi. Bà nội tôi bảo chọn chó để nuôi cứ xem lưỡi có đốm không, nếu có ắt hẳn chó khôn. Mà con Đô-Ly khôn thật, khách đến nhà chỉ sủa đúng một câu, có người nhà liếc mắt là nín thinh và chưa bao giờ gây khó chịu với một ai, dù người lạ. Nó chăm chỉ và biết vâng lời, bảo đuổi gà nó đuổi gà, bảo đuổi trâu bò hàng xóm qua phá vườn nó cũng xông pha, mặc dù chưa bao giờ những con vật to xác kia sợ nó.

Con Đô-Ly khôn ngoan trung thành là thế nhưng rồi số phận của nó cũng hẩm hiu như vô vàn con chó khác trong làng tôi hồi đó: Nuôi đủ già là bán. Chó già gà non mà, người ta bán với nhiều lý do khác nhau, với gia đình tôi, phải bán con Đô-Ly vì cận tết, cần tiền.

Tôi nhớ mãi ngày mẹ gọi chú Thịnh - chủ quán cầy tơ - đến bắt con Đô-Ly đi. Tôi hỏi mẹ xem còn cách nào khác không, mẹ vẫn im lặng như nhiều bữa, nghĩa là hết cách. Tôi không muốn bán nó một chút nào, và càng xót khi nghĩ đến cảnh người ta làm thịt nó, rồi đâu đó trong tiệc tất niên con Đô-Ly nằm đó, bên đống rơm vàng. Nhưng tôi phải chấp nhận, vì cả làng tôi đều như thế, không bán chó thì bán gà, không bán gà thì bán lạc, bán đậu… Tóm lại, ở làng tôi nuôi chó là để nó nuôi lại mình.

Khi chú Thịnh bước vào nhà, con Đô-Ly như hiểu chuyện. Nó chạy xuống nhà bà nội, chui vô gầm giường nằm mãi không chịu ra. Đem cơm gọi nó cũng nằm lại, không chịu ăn, mắt nó buồn, miệng ư ử như van lơn đừng bán.

Chú Thịnh lấy đồ nghề ra, đó là chiếc gậy sắt dài có hai móc kẹp lại như chiếc kéo siết vào cổ con Đô-Ly lôi đi. Nó ẳng ẳng kêu không thành tiếng, chân kéo lê dưới đất không muốn bước, đầu cứ chúi về phía trước. Ngõ nhà tôi hồi đó là con dốc dài, đầy sỏi đá, hình ảnh con Đô-Ly lê chân trên đó cứ ám ảnh tôi mãi tới tận sau này.

Chú Thịnh đi khuất, tôi chạy xuống nhà bà, nằm ôm chăn khóc. Thương cho đời nó và thương cả đời mình.

Tôi lớn lên vào Sài Gòn trọ học rồi đi làm, gọi về nhà lần nào tôi cũng hỏi mẹ còn tiền tiêu không? Vì tôi sợ mẹ ở nhà lặp lại cảnh quay mặt đi khi chú Thịnh đem con Đô-Ly đi khuất. Mẹ tôi bảo, bây giờ làng không ai bán chó, bán thóc nữa, mà lo chuyện trộm. Đêm nào nghe tiếng rú ga là y như sáng hôm sau có nhà vừa bị trộm chó. Rồi mẹ kể thêm, năm vừa rồi, thanh niên làng đuổi bắt được một gã trộm chó, đánh cho bầm dập, máu người máu vật lênh láng.

Nghe mẹ kể tôi thấy lòng chùng xuống. Cái vòng luẩn quẩn giữa người và chó bao năm vẫn thế. Có phải tất cả ở miếng cơm manh áo? Có phải vì miếng thịt chó không?

Cuối năm, tụi bạn háo hức gọi đi nhậu tất niên chuẩn bị đón xuân Mậu Tuất, tôi bảo “nhậu gì”, nó bảo “chó”. Thế là lũ giun trong bụng bị phen mừng hụt .

Không phải tôi chê, mà tôi cứ nhớ đến con chó Đô-Ly, nhớ đến làng mình với những phận người cả năm trông chờ vào đàn chó nhỏ.

Gợi ý dành cho bạn