MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh: Trần Văn Cẩn

Làm dâu bà Võ

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 17/08/2018 08:20

Ngày Cún tròn 18 tuổi, từ sáng sớm, bà Võ đã giục con dâu ăn mặc tử tế để ra xã đăng ký kết hôn, xong thì làm luôn khai sinh cho thằng Tũn đi học. Nhà bà Võ ở sát nhà tôi. Người làng hay gọi là Võ Vả. 

Vui hay buồn gì, bà cũng: “Vả cho cái bây giờ”. Chồng bà mất sớm vì dịch sốt rét khi vừa vào Lâm Đồng làm kinh tế mới. Bà ở vậy nuôi hai đứa con. Cô con gái lớn tên Lương đã lấy chồng ở tận miền Tây. Cậu con trai tên Thiện mãi không lấy được vợ. Vì người ở làng này chẳng ai muốn con mình phải làm dâu bà Võ. Nhà đã nghèo xác xơ, lại phải bà mẹ chồng ăn nói bỗ bã, bộc tuệch thì “hư cả người”.

Hai năm trước, sau một đợt đi làm xa, Thiện dắt Cún về rồi hồn nhiên giới thiệu “nó có bầu rồi mẹ ạ”.

Nhìn cô con dâu tương lai gương mặt non nớt đang vân vê vạt áo, bà Võ dịu giọng: “Làm vài mâm thôi nhá. Con Cún chưa đủ tuổi đăng ký mà tổ chức dềnh dàng, mấy ông ngoài xã vào hỏi thì lắm chuyện đấy”. Nói thế, nhưng bà cũng chuẩn bị chục mâm, mời làng trên, xóm dưới đến chung vui. Đại diện gia đình đàng gái có độc ông bác ăn mặc tuềnh toàng, rơm rớm nước mắt, nói lời gửi gắm đứa cháu côi cút cả cha lẫn mẹ.

Từ ngày có con dâu, nhà bà Võ trở nên rôm rả. Cún nhìn ra dáng phụ nữ hơn nhưng tính tình vẫn như một đứa trẻ. Thỉnh thoảng, mẹ con tôi ngồi bên nhà cũng phải phì cười khi nghe bà Võ gọi: “Cún đâu, về cho thằng Tũn bú”. Có lần, con bé đứng giữa cửa giang tay chắn lối mẹ chồng: “Các hạ muốn vào bếp phải bước qua xác tại hạ”. Bà Võ thủ thế “nhất dương chỉ”, xông vào cù léc con dâu ngã lăn ra đất, cười lăn lộn. Hôm nào hai mẹ con bà mà dồn bắt gà thì cả xóm biết. Bà Võ vừa chạy vừa hét toáng: “Vồ đi! Giời ạ! Sao mày ngu thế hả con?”. Mặc dù lẩm bẩm: “Phạt con Cún nhịn cơm”. Nhưng tối, bà lại luộc hai quả trứng lòng đào gắp vào bát con dâu: “Hụt gà thì mày ăn cơm với trứng thôi con ạ”.

Ở quê tôi, mùa sầu riêng năm nay sôi sục. Đến hạt cũng được thương lái thu mua vài chục ngàn một ký. Giữa trưa, bà Võ đi ngủ, Cún xếp chục trái sầu riêng hàng loại ra hiên nhà rồi hì hục bổ bổ, tách tách. Thấy dáng vẻ “khả nghi”, tôi nói với qua trêu: “Cún lén mẹ lấy hột sầu riêng bán đấy à?”. Con bé thật thà, vội vàng thanh minh: “Đâu đâu, mẹ em bảo tách được bao nhiêu hạt cho em bán tất, lấy tiền ăn quà”. Tôi thầm nghĩ, làm dâu bà Võ có lẽ không đáng sợ như sự e ngại của người làng.

Nhưng rồi một hôm, mặt Cún bỗng buồn rười rượi, cũng chẳng thấy bà Võ cười vỡ làng vỡ xóm như trước nữa. Nhìn cảnh ấy thật dễ suy diễn ra một cuộc chiến tranh giữa mẹ chồng - nàng dâu như trong phim truyền hình dài tập. Vài ngày sau, Cún qua nhà tôi, hỏi xin cái balô cũ về đựng đồ. Lúc này, con bé mới kể chuyện Thiện quyết định đi làm công trình tận Tây Ninh, xin luôn cho vợ chân nấu ăn ở đó. Cún rơm rớm nước mắt: “Nghĩ cảnh để mẹ với thằng Tũn ở nhà, em xót cả ruột”.

Sau ngày vợ chồng Cún đi, chiều nào, bà Võ cũng bế thằng Tũn ra cổng hóng gió, thỉnh thoảng lại huơ huơ chiếc điện thoại “đập đá” lên trời, lẩm bẩm: “Sóng đầy đây mà chả đứa nào gọi. Tiên sư chúng nó”. Miệng thì mắng, nhưng đôi mắt bà ầng nậng nước, cứ hướng mãi ra đầu xóm, như trông, như ngóng, như nhớ, như thương.

Gợi ý dành cho bạn