MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mái hiên có cây roi mây

LÊ TUYẾT LDO | 08/01/2018 07:15
Tình cờ, tôi đọc được mẩu tin trên một trang báo sáng: “Khi phát hiện mất đồ, chị N trích xuất camera an ninh, và đưa chân dung kẻ đạo chích lên Facebook. Người nhà của thủ phạm nhìn hình ảnh, nhận ra chính xác con mình nên đã mang toàn bộ số tài sản trộm cắp tới trả cho nạn nhân. Tên trộm cũng bị cơ quan công an triệu lên làm việc…”.

Tự dưng, tôi lại nhớ đến câu chuyện của nhà mình.

Hồi anh em tôi còn bé, nhà tôi có một đàn trâu, tài sản duy nhất và lớn nhất của gia đình. Hai anh tôi nghỉ học sớm. Anh Hai ở nhà phụ giúp ba má việc nhà, trông ba chị em tôi, anh Ba phụ trách đàn trâu. Trái với vẻ hiền lành, điềm đạm của anh Hai là sự bộp chộp, pha chút tinh ranh của anh Ba.

Má tôi kể, hồi anh Ba còn nhỏ xíu, bác hàng xóm làm rẫy gần nhà thu hoạch bắp, cho anh Ba hai trái. Anh lắc đầu không nhận, bảo: “Nhà con năm anh em, cho hai trái không đủ chia”. Bác hàng xóm mặt đỏ gay, quát “không đủ chia thì khỏi lấy”. Anh tôi chạy về, bỏ lại hai trái bắp.

Anh Ba chăn trâu, theo lũ bạn nghịch như giặc. Một bữa trời tối mịt, anh Ba lùa trâu về muộn, vác theo một quả mít thơm nức mũi. Hồi ấy nhà nghèo, lại đông con, quanh năm hiếm có quà bánh gì nên được trái mít, chị em tôi vui như hội, bỏ chén cơm, buông đũa chạy lại mừng quả mít.

Má tôi không nói gì. Mắt bà ươn ướt khi nhìn lũ con bu quanh trái mít, mũi hít hà, miệng không ngớt hỏi anh Ba mít ở đâu mà thơm dữ? Cha tôi đằng hắng, lấy giọng hỏi mít ở đâu? Anh Ba rụt rè hồi lâu. Cha tôi nghiêm mặt. Chúng tôi thôi hò hét. Cha hỏi lại lần nữa. Anh Ba thú nhận đã bẻ trộm mít vườn nhà ông Phú. Anh cố vớt vát rằng mít chín cây rất nhiều. Mấy đứa khác cũng bẻ. Mít rất ngọt hãy để cho mấy đứa em ăn…

Cha không hỏi nữa, rút roi, kêu anh Ba nằm xuống. Cha quất thẳng tay. Chị em tôi chết khiếp, khóc váng trời. Má xót con, can. Cha quát: “Đem quăng trái mít. Ngày mai bà kiếm tiền đi đền cho người ta. Nói con tôi đã bẻ trộm mít nhà ông…”.

Mấy hôm sau, cha mang về một trái mít được cha mua bằng tiền công cày ruộng của mình. Anh Ba dỗi không ăn, cứ ngồi nhìn lên cái mái hiên chỗ giắt cây roi mây, đầy bi phẫn. Trong nhà, đó là chỗ đáng sợ nhất của mấy anh em, nhưng chủ yếu là các anh tôi. Khi cây roi đã tuốt xuống, thế nào cũng có đứa quắn mông. Dĩ nhiên Ba ta là tay hay bị “hỏi thăm” nhiều nhất.

Năm anh em chúng tôi lớn lên, lập gia đình, có cuộc sống riêng vẫn nhớ lời cha dặn: “Người ta hư hỏng phần nhiều bởi người thân dung túng thói ăn cắp vặt hoặc vui mừng với những thành quả không phải do sức lao động của mình mà có. Cha thấy con mang về một trái mít, không hỏi mít ở đâu thì lần sau con sẽ bắt trộm gà, lùa trâu. Vợ thấy chồng mang về rất nhiều tiền chỉ biết tiêu cho sướng tay… thì sau này, chồng rơi vào vòng lao lý đừng ngửa cổ lên trách Trời”.

Hôm nọ, anh Ba tôi về quê mang quà ba má gửi cho mấy anh em bỗng kể: “À, cái roi mây ba vụt tao vụ mít hồi nào vẫn còn thấy giắt ở mái hiên”.

Gợi ý dành cho bạn