MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

Máy chữ ồn ào

Thanh Hải LDO | 18/08/2017 06:15

Tôi đang tới thăm ông, “ông ác gác đền” một thời từng làm cho gã trai tính nết được chăng hay chớ như tôi điêu đứng.

Ông ở ven thành, cách cơ quan chừng một giờ xe hơi, nhưng thời xưa đã ai có xe hơi, ông lại là viên chức đông con nghèo túng nên suốt đời bò ra trên xe lết với chiếc dạ dày lép kẹp, không nửa tiếng than van.

Tôi bị ông “chần” nhiều. Nhưng bẽ nhất là lần ông cầm bản thảo với chi chít dấu bút đỏ, chạy từ lầu 3 xuống tầng trệt, ra vỉa hè, oang oang gọi tên tôi để mắng vì mấy lỗi câu chữ. Kính ông trệ xuống, mắt trợn lên, ông nói liên hồi về những chuẩn mực của nghề, cả những cái bên ngoài nội dung tệp bài mà ông đang biên tập. Sau cơn bực tức, ông ngồi thừ ra với đám khói thuốc mông lung. 

Ngày ấy cánh phóng viên trẻ chúng tôi sợ ông phát khiếp. Nói đúng hơn là hổ thẹn, nhất là bị mắng trong lúc đang cà cưa, chọc ghẹo các em phát thanh viên, thực tập sinh.

Tôi dồn mấy tháng lương, vay mượn thêm các chị ở phòng quảng cáo để mua cái máy đánh chữ cá nhân với với mục tiêu “lấy lại hình ảnh” trước các em xinh đẹp. Phòng chúng tôi quay mặt ra ô cửa sổ. Bên ngoài có quán cà phê cóc dưới tán cây hoàng hậu hoa tím rụng tơi bời.

Ngày đó phố còn vắng thưa người, tiếng lộc cộc, lộc cộc gõ, hay reẹt… mỗi khi xuống hàng phát ra từ cái máy đánh chữ của tôi đều đến tai mọi người ngoài quán. Bởi vậy, dù ngoài vỉa hè, trưởng phòng biên tập nghiêm khắc của tôi cũng “đếm” được cả số hàng, trang viết để réo gọi cà phê đúng lúc bản tin tôi vừa gõ xong. Dường như ông muốn “làm hoà” với tôi, không nói đến chuyện chữ nghĩa nữa, nhưng rồi ông cũng chỉ khen cái máy chữ.

Từ ngày có nó, quả thật tôi ít còn bị người biên tập già la mắng nữa, bởi gần như gõ một câu chữ nào mình cũng đắn đo, dành nhiều thời gian suy nghĩ hơn, một phần cũng vì tiết kiệm giấy than, ribbon mực. Nhưng cái máy chữ lại làm cặp vợ chồng bên kia vách phòng trọ càm ràm bởi họ mất ngủ những đêm khuya tôi viết lách…

Bây giờ thỉnh thoảng tôi vòng ngang cơ quan cũ. Nhưng cây hoàng hậu già đã bị đốn tự bao giờ, chỗ quán cóc chừ là cả dãy cà phê sang chảnh thời thượng. Lớp thanh niên trạc tuổi tôi năm xưa ngồi kín quán cả ngày. Họ hoặc cắm mũi vào laptop, ipad hoặc smartphone… mà lướt web êm ru. Tôi cũng đã giã từ tiếng lộc cộc máy chữ gần 20 năm. Giờ viết lách, đọc báo hay facebook đều không làm phiền hàng xóm nữa.

Không biết có phải vì phương tiện thiết bị quá tiện ích mà người dùng trở nên dễ dãi với câu chữ hay còn bởi những lẽ nào, nhưng trên mạng xã hội và cả báo chí hàng ngày tràn ngập những mảng tối. Hoặc đay nghiến, khinh bạc, hoặc bóng bẩy văn hoa, nửa bấc nửa chì, cao đạo nhưng vẫn hở ra vẻ hý hửng như quân chọc trộm lốp xe, đọc xong chỉ thấy lòng người bé mọn và ác.

Hơn hai thập niên, bây giờ máy tính nhỏ gọn êm so, smartphone tuyệt kỹ chẳng gây một tiếng ồn ào... Tôi lặng nhớ người biên tập già năm xưa, nhớ cái máy chữ cộc cạch chậm rãi tuôn ra những con chữ lương thiện, rắn rỏi.

Sau ngày nghỉ hưu, ông có gõ văn bản thuê để kiếm thêm thu nhập và cũng để đỡ nhớ nghề. Nhưng chẳng bao lâu, có tin ông đã bỏ hẳn, bởi người dân toàn thuê viết đơn khiếu nại, tố cáo nhau.

Tôi tới, ông đang cuốc vườn, mặt đen nhẻm nhưng giọng cười sang sảng: “Ủa, mi vẫn nhớ tau răng”...

Gợi ý dành cho bạn