MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một chút cuồng si

THANH HẢI LDO | 13/07/2018 06:26
Anh hẹn tôi đến một quán cà phê tận bến xe liên tỉnh ở ngoại ô.

Chiều đã tắt nắng, trời chuyển giông, sấm rền mãi mà không rớt nổi hạt mưa nào, càng oi nồng. Nhìn khuôn mặt bơ phờ của một fan World Cup, lại đột ngột gọi tôi ra tận bến xe vào lúc tàn ngày, tôi nghĩ ngay có sự chẳng lành. Có thể là anh phải dạt nhà…

Như đoán được ý nghĩ qua thái độ “hổ báo” của tôi, anh chặn ngay: “Thằng Bơ bỏ nhà đi rồi. Nó tắt máy, bẻ sim để lại cùng lá thư ngắn an ủi mẹ”. Sau hai ngày gần như lật tung thành phố này lên để tìm con bất thành, anh quyết định bắt xe đò vào miền Nam.

Bây giờ thì đến lượt tôi bần thần, không mở được nửa lời. Tôi chơi thân với gia đình anh và biết rất rõ cu Bơ. Một đứa con ngoan, học giỏi lại rất lễ phép như nó quả là hiếm ở thời buổi này. Bơ vừa tốt nghiệp đại học hạng ưu và có nhiều hứa hẹn về việc làm tốt. Vì sao lại ra cơ sự này? Có phải thằng bé vướng vào chuyện tình duyên? Anh lắc đầu, tất cả đều do anh chị. Hai vợ chồng ép nó phải đi làm cơ quan nhà nước để có một tương lai chắc chắn hơn. Thằng bé không bao giờ căng thẳng với bố mẹ dù có phản ứng vài lần. Nhưng rồi đột ngột bỏ nhà đi. Vậy là điều tốt đẹp nhất anh chị luôn mong muốn cho con lại hóa thành sự áp đặt sai lầm.

Tôi nhét thêm cho anh ít tiền kèm địa chỉ của mấy người bạn trong Sài Gòn, phòng khi cần nhờ vả. Anh lên chuyến xe cuối ngày, đi thật lâu rồi mà tôi vẫn chưa thể rời quán nước. Khi tôi ở tuổi của Bơ, suốt ngày theo phụ cha làm việc nặng. Lên tận rừng sâu tìm trầm, đốn gỗ, lấy song mây. Giúp cha cày đồng, gánh lúa… Ngày nông nhàn, cha đan rổ tôi phải vót nang. Cha tôi luôn dạy rằng, (khó) “nhất đốn tre, nhì ve gái”. Làm thằng con trai phải biết đan lát, từ phên, rổ đến nong nia. Biết bổ củi, gánh nước, biết têm trầu, gói nem… Mày mà không học, thì sau này không ai gả con gái cho, rồi cha cũng bị mắng không biết dạy.

Tôi học cả cách bện tấm tranh, lợp nhà, cách giết gà, gói bánh tét. Ông đã dạy cha, cha dạy lại tôi. Nhưng từ ngày lên thành phố, bước chân vào đại học, những công việc ở quê xưa chỉ còn là ký ức. Tôi đi học thêm lớp quay video, phối màu, rửa ảnh, cắt phim phòng tối. Nhưng ra trường, hành nghề chưa được bao lâu thì thiên hạ đã chuyển sang thời đại kỹ thuật số. Bây giờ nhắc chuyện học nghề, chia sẻ kinh nghiệm với các phóng viên trẻ, họ tưởng mình mắc bệnh người già.

Tôi không dạy con phải biết bổ củi, gánh nước, biết đốn tre, ve gái như thời ông nội của nó. Nhưng vẫn luôn thúc con phải giỏi ngoại ngữ, biết chơi một loại đàn, phải thuần thục một môn thể thao… Đó là cách để thằng bé dày dặn với các kỹ năng sống. Nhưng bọn trẻ bây giờ dường như chẳng có chân trời nào đem lại sức khám phá kỳ diệu như màn hình internet.

Những câu chuyện răn dạy đầu đời của ông nội với cha, của cha với tôi, của tôi với các con trai như chẳng còn nghiêm cẩn, thiêng liêng nữa. Từ khi nào, những bà mẹ trẻ đã ru con bằng đĩa CD, sân ga, chậm 5 phút là đoàn tàu biến mất, làm gì còn cảnh khăn tay vẫy trắng sương chiều...

Mối quan hệ cộng đồng lúc này đã vượt xa không gian làng quê và những thành phố nhỏ, tôi tin chắc Bơ sẽ sớm quay về. Bởi vì một đứa trẻ được dạy dỗ, học hành tử tế không bao giờ dám bỏ mặc bố mẹ. Cho dù cậu có thể bất mãn, bốc đồng một chút, thì cũng như anh, một nhà giáo chẳng mùa World Cup nào không xơ xác, điêu đứng vì cuồng si bóng đá đó sao!

Gợi ý dành cho bạn