MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

Một chuyện gan ruột

Ngô Mai Phong LDO | 21/08/2017 06:27

Chúng tôi ở trong rừng, mỗi đêm một chuyện, từ tiểu đội trưởng trở xuống, anh nào cũng phải kể. Hay hay nhạt không cần biết, miễn đó là “chuyện gan ruột”, chuyện thật, chuyện của mình.

Và đây là chuyện của hạ sĩ Nguyễn Quang Luyến (Việt Yên, Hà Bắc)...

Cuối cùng chúng tôi cũng đã vẽ xong sơ đồ thực địa toàn bộ khu vực thị trấn Sê-pôn - yết hầu của con đường tiếp vận lương thực, vũ khí cho mặt trận phía Nam. Lúc đó chúng tôi chỉ linh cảm sắp có một cuộc đụng độ khủng khiếp ở nơi này. Đó là vào mùa khô đầu năm 1971.

Trên đường rút về căn cứ, chúng tôi phải nghỉ lại trong một gườm đá kiểu hàm ếch ăn hơi sâu vào sườn núi, phía trước là một rừng cỏ gianh cao chấm mặt.

Bấy giờ, tiểu đội trinh sát chỉ có bảy người. Tiểu đội trưởng hai mươi bốn tuổi, còn lại sàn sàn hăm mốt, hăm hai. Riêng Lân là trẻ nhất, chú út mới mười chín tuổi, da trắng, ria mép mới như tơ xanh. Đặc biệt đôi vành tai Phật, hồng như tai thỏ, anh em thích bẹo.

Lân là lính thông tin, cậu học trò Hà Nội gầy guộc vô cùng khổ sở với chiếc máy điện đàm 2W trên lưng cùng với lỉnh kỉnh súng AK, băng đạn và balô con cóc đeo ra trước bụng khiến cậu bao giờ cũng lếch thếch.

Chúng tôi chưa ai có vợ nên rất thích nói về các cô bạn gái, Lân thì không. Cậu ta cho tiểu đội xem bức ảnh đen trắng chụp một phụ nữ mắt dài và sáng, hai cánh tay ôm qua vai một cậu bé hơn mười tuổi, xung quanh là ba cô gái sắp sang tuổi thiếu nữ. Nhìn qua đã biết đấy là ảnh Lân chụp với mẹ và các chị. Lân bảo “mẹ em dạy học, vừa may thuê nuôi cả nhà, bố em mất từ hồi mấy chị em còn bé xíu”. Chúng tôi thi nhau nhận “người yêu tương lai”.

Cả ngày luồn rừng, ăn tối xong ai nấy mắt đã díp lại, mau mau xí chỗ. Tiểu đội trưởng nằm ngoài cùng, Lân út ít nên ưu tiên nằm giữa cho ấm.

Chúng tôi đang ngủ rất say, bỗng mơ hồ có mùi thối khẳm chưa từng thấy rồi rất nhanh, một bóng đen lao trùm vào giữa hàng người lại nhoằng một cái phóng ra. Hổ, tất cả choàng dậy, với súng. Dọi đèn pin, bảy anh em vẫn đủ mặt. Chỉ có chiếc balô Lân gối đầu là bị quắp đi. Chúng tôi mang vũ khí tỏa ra ngoài lùng sục một hồi rồi quay vào. Tất cả vẫn chưa hết kinh hãi, nhất là Lân. Tiểu đội trưởng đã bảo cậu ta lui vào vị trí trong cùng nhưng Lân như nằm trên chảo rang, liên tục trở mình.

Tiểu đội trưởng không ngủ, ôm súng ngồi tựa cửa hang. Đêm về khuya càng lặng ngắt ghê rợn. Trong một phút quá mỏi mệt, anh hơi thiếp đi và cái thời khắc khủng khiếp đã trở lại. Bóng đen chết chóc bất ngờ vọt lên từ vạt gianh trước cửa lao như tên vào thẳng lòng hang rồi lại ngoắt lao ra, mất hút. Ai đó thét lên “nó bắt thằng út rồi”. Chúng tôi sục xuống khắp triền khe nhưng không vết tích. Cũng không được phép nổ súng, bởi vì xung quanh còn có những bầy cọp hung hiểm hơn cả loài cọp bốn chân.

Tảng sáng, chúng tôi tìm được chiếc balô của Lân bị xé tan tành cách gườm đá chỉ chừng ba trăm mét. Cạnh mớ quần áo nát bươm có một bọc nilon nhỏ, mở ra là một chiếc lược làm bằng lõi trầm thơm ngào ngạt gói trong mảnh giấy xé từ nhật ký: “Chải xong mẹ cứ găm trên đầu để kị gió mẹ nhé”. Tôi nhớ đó là mảnh của cây trầm bị bom chẻ, Lân lấy được hồi ở rừng Khánh Hòa.

Chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Tiểu đội trưởng ngồi bệt xuống, chốc chốc lại đập trán vào nòng súng.

Chiến tranh là như thế, không phải người lính nào ra mặt trận cũng được chết như những anh hùng. Riêng tôi vẫn nghĩ, đêm ấy tôi nằm ngay cạnh Lân, nếu không phải cậu ấy, thì chắc sẽ là tôi hay một người nào đó...

Gợi ý dành cho bạn