MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

Một suất cho tình nhân

Thanh Hải LDO | 08/09/2017 06:29
Cơn dông vừa dứt, chúng tôi bước lên đò, ngược về phía núi. Bà Hai Liên một tay chống cây sào đẩy mũi ghe, tay kia thò kéo tấm ván vừa làm cầu cho khách, rồi tất tả đi về phía đuôi ghe tát nước phụ chồng.

Với lại phía sau, bà nói lớn để át tiếng máy chát chúa:

- Mưa to gió mạnh quá, lại sấm chớp dữ tợn, tôi định huỷ chuyến với các chú rồi. Nhưng hên, chiều ni trời lại dứt cơn sớm…

Hai bên bờ sông hơi nước bốc lên mờ mịt sương khói. Mấy cành củi mục từ phía Hòn Kẽm Đá Dừng lờ đờ trôi trên mặt nước sông đầy. Sau cơn mưa, chiều như trong vắt, mặt ai cũng hớn hở, căng ngực ra hít thở sự thanh bình. Rảnh tay, bà Hai Liên gác cây sào ngồi góp chuyện với khách.

Qua làng Đại Bình, tiếng máy nổ đều đều, chiếc ghe ngược dòng êm ái. Chỉ về phía có rặng cây xanh um cả một vùng, bà bảo, cách nhau một con sông, làng tôi bên này lại hứng không biết bao nhiêu bom đạn, người chết, kẻ tứ tán, nhưng Đại Bình gần như không có bất cứ một hòn tên viên đạn nào trong cả hai cuộc chiến tranh.

Dù ở tận miền ngược của dòng sông Thu Bồn, Quảng Nam, nhưng Đại Bình lại là một vựa cây trái với đầy đủ các loại như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… thơm ngọt như miền Tây. Không biết có phải vì cái tên đã mang định mệnh cho làng hay không.

Càng lên thượng nguồn, dân cư hai bên bờ sông càng thưa thớt. Mấy ngôi nhà quần tụ bên những cánh đồng chen núi. Đến một bãi bồi dưới chân núi Hòn Kẽm, ghe tấp vào cho du khách lên bờ. Tranh thủ lúc khách vãng cảnh, vợ chồng bà Liên trèo qua hang núi gần đó thắp hương. Ở đây chiều tắt nắng rất nhanh. Bà Hai Liên quay ra trên tay có cả rổ mướp, mấy trái bắp non. Chồng bà thì một rổ cá thác lác, tôm đất nhảy tanh tách. Ông giục khách lên thuyền rồi chất củi quạt than, làm ngay món tươi hun khói. Đường về, bà thay chồng cầm lái, ông cùng chúng tôi uống rượu trên sông.

Dù rất ít nói, nhưng rượu chừng dăm chén, môi mềm thì ông mới hoà đồng với khách. Chỉ tay về phía vợ, ông nói bà ấy cùng làng, lớn hơn tôi 5 tuổi. Chúng tôi cùng chăn trâu, tát cá từ lúc trần truồng. Tôi quấn quýt bên chị. Nhưng khi mới chớm 18 tuổi, chị đã có chồng. Người bên kia sông, làng Đại Bình. Đơn vị anh làm đám cưới cho hai người rất vội. Sau một đêm anh tập kết ra Bắc. Chị chờ. Hai năm, rồi hai mươi năm biền biệt…

Vì tham gia du kích nên sau năm 75 tôi được phân công làm cán bộ xã, phụ trách ngành lao động thương binh xã hội. Thấy chị vẫn vò võ một mình trong căn nhà tạm rách nát, tôi thương Liên đứt ruột. Nhưng lục tìm hồ sơ thì không có một chứng từ gì để làm chế độ vợ liệt sĩ cho chị. Tôi liều, làm hồ sơ giả. Một suất cho tình nhân. Sự việc bại lộ, tôi bị đuổi việc. Chúng tôi không cưới nhau, nhưng Liên đồng ý theo tôi ngược lên thượng nguồn Thu Bồn làm nghề đánh cá. Thỉnh thoảng có khách tham quan, tôi chạy đò dọc kiếm thêm mấy đồng.

Gần cạn cả bầu rượu mà câu chuyện của ông làm chúng tôi tỉnh queo. Ghe về gần bến cũ - nơi chúng tôi xuất phát. Ông hất cằm về phía vợ trìu mến:

- Bà ấy cứ giới thiệu với khách về Đại Bình như rành lắm. Nhưng bà chưa từng bước chân lên làng ấy từ sau năm 1954.

Làng tôi sát chân núi. Khi giặc càn, dân nơi khác thường chạy về phố, nhưng dân tôi thì bám trụ, hoặc núp trong những hang núi ở Hòn Kẽm để còn che chở, tiếp tế cho du kích. Họ toàn là con em trong làng. Dân chết, bị thương không tính xuể.

Nếu không bị kỷ luật sớm, và nếu tôi lên đến trưởng phòng lao động thương binh xã hội huyện, chắc tôi đã làm giả hồ sơ chế độ hết cho cả làng mình. Họ không đủ tiêu chuẩn thương binh, có công, nhưng đã hy sinh và bị tổn thương rất nhiều qua các cuộc chiến. 

Gợi ý dành cho bạn