MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa của Choai.

Ngon miệng dị mắt

di li LDO | 28/05/2018 06:30
Hồi giữa năm 2010, tôi thực hiện tổ chức triển lãm du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cho Tổng cục Du lịch Đài Loan (Trung Quốc). Ngày khai mạc, các nghệ nhân Đài Loan trình diễn màn nặn tò he cho khách đến tham quan.

Bột nặn tò he của họ lúc khô có thể tồn tại vĩnh viễn, không bị chuột gặm như tò he bột nếp nhà mình.

Nghệ nhân còn làm kẹo đường với đủ hình thù ngộ nghĩnh. Họ múc đường mật nóng chảy rót thành hình công phượng lên mặt kim loại. Khi đường nguội, cứng lại, sẽ thành ra một chiếc kẹo, ăn không ngon lắm nhưng nhộn mắt.  

Đến Đài Loan, thứ ngon nhất của người xứ đảo phải là các loại bánh. Đài Loan là xứ sở của các ông hoàng bánh ngọt, và tất nhiên, cả trà sữa trân châu nữa. Trước, tôi hay ngợi ca bánh kẹo Nhật Bản, nhưng giờ nom bánh Nhật hẳn còn thua xa.

Người xứ Đài ưa nghiên cứu ra các thức đồ ăn chơi. Công đoạn sáng chế và thử nghiệm trước khi ra mắt công chúng một loại bánh mới cũng kỳ công chẳng kém gì trong bộ phim “Vua bánh mì” mà tôi vẫn mê mẩn.

Mặc dù các mặt hàng thực phẩm của Đài Loan không kém gì Âu Mỹ nhưng người ta vẫn duy trì bán kẹo mút làm bằng đường thắng (kiểu kẹo chợ quê thời bao cấp) như tôi đã từng thấy các nghệ nhân Đài Loan trình diễn trong hội chợ du lịch Sài Gòn. Thế nhưng cũng khối người mua, dù ngậm mãi món mạch nha cứng ấy tẻ nhạt không chịu được.

Chẳng ai ghé Đài Loan mà lại không nhồi vài túi bánh vào trong vali nên các cửa hàng lưu niệm thường hay bày thêm một gian bánh. Đủ loại. Bánh hành, bánh củ cải, bánh Bolo, bánh dứa, bánh tiêu, bánh bông lan... nhưng thượng hảo hạng nhất vẫn là loại bánh tôi từng được nếm ở hội chợ. Tôi mua chiếc bánh có cái tên rất đẹp “Sun Cake” (bánh Thái dương).

Bánh Thái dương hình tròn, bẹt, màu vàng nhạt, lớp lớp giòn tan như pateso, bên trong có nhân bơ sữa truyền thống hoặc mật ong, cà phê, khoai môn, đậu xanh... dẻo thơm như kem. Đọc công thức làm Sun Cake mà mấy ông hoàng bánh ngọt Đài Loan công khai đưa ra cho cư dân mạng tự do tham khảo thì rõ là như lừa người.

Thái dương chỉ vọn vẹn có nước, bột mì, bơ lạt, mạch nha và sữa bột. Mấy thứ ấy tủ lạnh nhà tôi lúc nào chả có, nhưng làm sao để biến chúng thành một nghìn lớp bánh thần thánh thì mới là huyền thoại, một câu chuyện đã được kế thừa hơn nửa thế kỷ làm bánh của những người Phúc Kiến. Khác nào tôi dúi bảng chữ cái cho người thiên hạ bảo chữ nghĩa đây, sắp xếp vào thành tiểu thuyết đi.

Thế kỷ 17, hòn đảo Đài Loan đã bắt đầu chứng kiến một làn sóng di cư từ Phúc Kiến. Kể từ ấy, người Phúc Kiến ăn sâu bén rễ trên đảo tới 70% dân số. Sự dịch chuyển ồ ạt này kéo dài đến tận năm 1949. Những người gốc Phúc Kiến đã mang ấm thực ngon lành của họ lên đảo.

Bấy lâu nay ẩm thực Phúc Kiến vẫn được coi là một đặc sản du lịch và được chú dẫn đầy tự hào trong những cuốn tạp chí giới thiệu về văn hóa Đài Loan. Lần trước đến Hạ Môn (nằm ngay bên bờ biển, cách đảo Đài Loan chừng hơn 1 giờ bay), thủ phủ tỉnh Phúc Kiến để họp chuyên đề giáo dục, ngay bữa tối đầu tiên tôi đã hiểu thấu đáo điều ấy.

Tôi vốn dị ứng với ẩm thực Trung Hoa, mỗi lần sang nước bạn thường chẳng ăn nổi món gì ngoài mỳ tôm mang theo, nhưng lần này thì hoa cả mắt vì những món ăn vô cùng choáng ngợp, đặc biệt là hải sản.

Trong các nhóm ẩm thực Trung Hoa thì ẩm thực Quảng Châu và Phúc Kiến có chung một gốc, chị Liu Fang, cán bộ Sở Giáo dục Phúc Châu hôm ấy giải thích như vậy. Thảo nào, người ta đã bảo ăn Quảng Châu (mặc Hàng Châu, ngắm cảnh Tô Châu, chết ở Liễu Châu), nhưng tôi cho rằng đồ ăn Phúc Kiến thậm chí còn đặc sắc hơn. Người Phúc Kiến di cư khắp thế giới. Tới đâu mở tiệm ăn ở đấy và đều có thể làm giàu nhờ nhà hàng.

Mà người xứ Đài cũng nhộn, bánh ngon thì nhiều nên chán rồi, họ mới chế ra vô số hình thù kỳ quặc để bán đại trà. Đi bộ trong khu chợ đêm Shilin khổng lồ ở Đài Bắc, dưới ánh đèn lập lòe sắc màu đặc trưng của người Hoa, tôi sợ chết khiếp khi nhìn thấy những vú vê, dương vật, quan tài bằng bánh bày bán nhan nhản lề đường.

Người Đài mới đầu thấy ngộ nên thử chơi, sau nghe chừng ngon thiệt nên mua riết. Tôi cứ băn khoăn, vị bánh dù tuyệt hảo nhưng cầm những của ấy mà đưa vào miệng sao thấy ngon cơm được nữa.

Bánh Đài Loan, vì thế, hoặc là trông giản dị đơn sơ như Thái dương, hoặc dị mắt như bánh quan tài, bánh dương vật, nhưng đều được ra lò từ những công thức thần kỳ của các ông hoàng bánh ngọt.

Hồi này ở nhà mình cũng có trào lưu xài bánh Đài Loan. Lên mạng thấy bánh bán theo cân tới 30 vị, nhưng không có vị nào là Thái dương cả, cứ như thể vua thì phải đứng tách riêng ra trên bao lơn, tam cấp ấy, chứ không thèm chung chỗ với thần dân.

Bánh Thái dương về đến Việt Nam giá thành cũng lên tới 700.000 một hộp, mà có dăm chiếc thôi. Sau này nghe nói ca sĩ Dương Triệu Vũ cũng được nhượng quyền thương hiệu từ đối tác Đài Loan cho bánh bông lan pho mát Le Castella, rồi truyền thông cũng khiến “bông lan” tạo thành cơn sốt ở Sài Gòn, người Hà Nội thì im ắng hơn.

Tôi cũng mua thử một chiếc, nhưng so với thảy loại bánh khác của Đài Loan, bông lan pho mát cũng chỉ là loại tạm. Mà hẳn chẳng là gì so với bánh Thái dương, quả là sao sánh nổi với mặt trời.

Gợi ý dành cho bạn