MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người Sài Gòn... ngầu ngầu!

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 13/11/2017 09:20

Ngã tư Nguyễn Văn Lượng giao Phan Văn Trị, một cô gái đeo balô, kính cận, ôm sấp tờ rơi dày cộm đang đứng nép người vào cột đèn giao thông, hy vọng dải bóng râm mỏng tanh của cây cột đèn đổ xuống có thể che bớt cái nắng chói chang. Chỉ đợi đèn bật sang màu đỏ, cô gái vội chen vào dòng người, xòe tờ rơi đưa cho từng người với thái độ lễ phép. Nhiều người lắc đầu, xua tay từ chối, có vẻ bực mình.

Riêng hai cậu bé nhuộm tóc vàng, mặc quần jeans rách đi xe đạp điện đứng sát tôi cứ huơ tay gọi: “Chị ơi, cho em tờ”. Thấy vậy, tôi quay sang, chìa tờ rơi vừa nhận ra, bảo: “Em cần cái này hả, lấy của chị nè”. Cậu bé cười, đáp: “Dạ hổng phải, em đâu cần, em lấy cho chị kia mấy tờ để chị phát xong sớm thôi mà. Nắng cực quá”. Về nhà, tôi kể lại chuyện này với chồng rồi kết luận: “Nhìn hai thằng nhóc ngầu ngầu mà dễ cưng ghê”. Chồng tôi cười, bảo: “Ừ, Sài Gòn vầy chứ dễ cưng”.

Vẫn nhớ lần đầu tiên xuống Sài Gòn thi đại học, tôi đã khóc thét vì thành phố này không lộng lẫy giống như tưởng tượng của mình. Sài Gòn cái gì cũng đắt, chuột và gián thì to vô địch, mùi nước cống xộc lên giữa trưa đến xây xẩm mặt mày, xe lúc nào cũng kẹt cứng ngắc. Lúc đó, tôi tự nhủ: “Kể mà thi rớt đại học cũng hay”. Nhưng tôi vẫn đậu, phải trọ học 4 năm, ra trường ở lại Sài Gòn làm việc. Tôi cũng không ngờ mình có thể trụ lại nơi này ngót nghét chục năm trời dù phải sống một cuộc sống khá vất vả.

Giữa Sài Gòn này, có lần, tôi đã phải nhập viện vì làm việc quá sức. Không người thân chăm sóc, tôi nằm còng queo trên giường bệnh, ngủ li bì từ sáng đến chiều. Trong lúc ấy, tôi nghe tiếng lào xào bên tai: “Trời trời, con nhỏ bị gì ngủ dữ zậy”. “Ông thấy con nhỏ ăn gì chưa?”. “Hay là nó hết tiền, không có tiền mua đồ ăn?”. Tôi tưởng mình ngủ mơ, cho đến khi một bàn tay ấm áp nhưng thô ráp đặt lên trán: “Con ơi, dậy ăn cơm”. Tôi ngồi dậy ngơ ngác, trước mặt là mấy gương mặt đang tròn mắt nhìn mình. Một người phụ nữ tóc muối tiêu dúi vào tay tôi tờ một trăm ngàn, bảo: “Con hết tiền hả? Để dì đi mua cơm cho. Hay ưng ăn cháo? Ăn vô cho phẻ (khỏe) heng”. Tôi không nhận tiền, chỉ ăn cháo dì mua. Đúng là ăn xong, tôi “phẻ” thật, đến giờ vẫn “phẻ”!

Tôi hay bị nợ những món nợ ở nơi này. Có lúc đang đi ngoài đường, xe xẹp lốp, tôi tạt đại vô đường nào đó nhờ bơm bánh xe. Bơm một bánh có 2 ngàn mà tôi không có tiền lẻ, chú bơm xe xua tay: “Đi đi con, chừng nào trả cũng được. Đi làm đi khỏi trễ”. Có hôm tôi đi chợ mua rau củ, đến lúc tính tiền mới nhớ quên ví ở nhà. Anh bán hàng vẫn treo túi rau củ lên xe tôi: “Mốt ghé trả cũng được”. Tôi đùa: “Không quen biết gì, em quỵt luôn à”. Ảnh chỉ gãi đầu, cười cười.

Tôi đã trả 2 ngàn cho chú bơm xe, cũng đã trả 40 ngàn cho anh bán rau. Thế nhưng, riêng tô cháo của “bà dì” trong bệnh viện thì vẫn chưa trả được. Chồng tôi nói thật đúng. “Sài Gòn ngầu ngầu vầy chứ dễ cưng”, luôn có những người đối xử với nhau thân tình tử tế dù chẳng quen biết gì. Tình người như nước nhạt mà bền nặng, có thể giữ chân bao người ở lại.

Thiệt thế, nếu chỉ thấy một Sài Gòn kẹt xe, gián, chuột kềnh càng thì sao mà tôi sống nổi ở đây cả chục năm trời?

Gợi ý dành cho bạn