MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân vật ngoài kịch bản

THANH HẢI LDO | 26/03/2018 06:40
Nhận được giấy báo trúng tuyển vào làm công nhân tại một công ty giày da trong khu công nghiệp gần thành phố, mừng quá, chị vọt ngay về nhà. Nhưng đến khi mở cửa thì mới thấy trống vắng, thẫn thờ. Con trai đã vào đại học, xa nhà.

Chồng đã dọn đi ở riêng ngay sau khi tòa tuyên ly dị. Niềm vui có được việc mới ở tuổi gần năm mươi, hóa ra lại là nỗi buồn.

Hôm lên công ty nhận việc, chị được phân công vào phân xưởng làm hàng mẫu. Nghe chị em công nhân bảo đây là phân xưởng VIP, bởi vị trí được coi trọng, việc lại nhẹ, lương cao. Chị thầm nghĩ chắc do mình lớn tuổi, khi phỏng vấn lại khai ngành nghề cũ là giáo viên, giỏi nữ công, biết tạo mẫu, may vá… nên được ưu tiên. Dẫu vậy, chị vẫn hồi hộp trong ngày đầu đi nhận việc.

Đứa cháu dưới quê, có 10 tuổi nghề ở phân xưởng gò trong công ty này đã cảnh báo là cô phải tôn trọng quản đốc như học trò nghe lời cô trước đây. Bởi vậy, khi cả nhóm công nhân mới bị gọi tập trung để học nội quy, nghe quản đốc phân công, chị không dám ngẩng mặt. Thế nhưng, đến lượt mình được gọi tên, chị lại nghe một giọng trìu mến, nhẹ nhàng từ quản đốc: “Em chào cô ạ!”. “Ơ, Linh. Em làm ở đây à?”. Cô học trò cũ đã phải bỏ học khi mới vào đầu năm lớp mười vì mẹ mất sớm, gia đình quá khó khăn. Chị còn nhớ như in. “Dạ. Khi biết chính xác là cô nên em đã xin ban giám đốc đưa về phân xưởng đây”. Linh đáp nhẹ nhàng.

Khi chớm tuổi năm mươi, chị vẫn luôn nghĩ là mình đã có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, hiểu được mệnh trời. Nhưng không phải, chị chẳng biết được gì về cái gọi là số phận trời định cho mình. Nhà chỉ có một mụn con, lại chăm ngoan, học giỏi, kinh tế khấm khá, nên chị cứ nghĩ mình là người hạnh phúc nhất. Nhưng rồi cuộc sống gia đình lại lục đục, bất hòa khi anh không còn chia sẻ với chị về lý tưởng truyền thụ cảm xúc bằng văn chương trong sự nghiệp trồng người như trước. Ngược lại, anh sa đà vào nghiên cứu triết học, tư tưởng để rồi quay sang phê phán thể chế, chống đối nhà nước khi liên hệ với những tiêu cực từ thực tiễn mà vốn nhà giáo như anh không có điều kiện kiểm chứng. Mâu thuẫn đã phá nát gia đình này lại từ những quan điểm trái ngược nhau về một hiện tượng xảy ra ngoài xã hội. Sau nhiều lần hòa giải không thành, chị đã đâm đơn ra tòa, xin ly dị.

Mọi việc tưởng đã an bài, nhưng đùng cái, anh phải ra hầu tòa vì lý do gây rối an ninh trật tự, đánh người gây thương tích. Tòa đã tuyên án 2 năm tù giam. Dẫu gì thì chị cũng không thể bỏ anh lúc này. Chị rút đơn ly dị và lặng lẽ lo cơm nước thăm nuôi chồng. Đây cũng là thời gian chị phải chịu nhiều oan khuất.

Sau khi anh mãn hạn tù được sáu tháng, cũng là lúc đứa con trai của anh chị vào đại học, xa nhà. Chị đưa đơn ra tòa, dứt khoát ly hôn, đồng thời xin nghỉ dạy. Căn nhà cũng bán đi để lo cho con ăn học. Chị ra thuê nhà trọ gần khu công nghiệp khi được nhận làm công nhân ở công ty giày da này.

Linh, đốc công phân xưởng làm hàng mẫu đã giới thiệu cô giáo cũ của mình với tôi để đưa vào kịch bản trong một chương trình giao lưu “Công đoàn và người lao động” với mong muốn giúp đỡ trường hợp nữ công nhân lớn tuổi . Nhưng chị một mực từ chối. Chị nói mình đã chọn con đường nước mắt, thì cứ thế mà đi, như một lẽ tự nhiên.

Gợi ý dành cho bạn