MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngàn năm ở Mtskheta

HOÀNG VĂN MINH LDO | 20/07/2018 06:40

Bỗng dưng muốn khóc hóa ra là cảm giác có thiệt. Đó là khi tôi được tận tay sờ vào mọi thứ - những ngàn năm đang động đậy bên trong Thánh đường Svetitskhoveli còn vẹn nguyên sau hơn 11 thế kỷ hay tu viện Jvari được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 ở cố đô Mtskheta của Gruzia, đất nước nằm vắt ngang Á - Âu trên con đường tơ lụa ngày nào.

Đức Cha Irakli sau khi đồng ý cùng tôi chụp hình “seo-phi”, kể thành phố cổ hơn 7.000 dân này mãi đến năm 1994 mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, bởi tính nguy cấp để cứu vãn đối với các di tích ở đây gần như rất ít.

Không tin được khi Cha Irakli bảo ở Mtskheta, người dân muốn đào một cái hố nhỏ trong vườn nhà mình cũng phải báo cáo và xin phép chính quyền địa phương. Sau đó chính quyền sẽ cử một đội chuyên nghiệp đến để giúp người dân đào hố. Và chẳng may trong quá trình đào có phát hiện cổ vật, thì chính quyền sẽ thu hồi và định giá, ăn chia theo tỉ lệ chính quyền 7, người dân 3.

“Thành phố này có con người sinh sống liên tục suốt từ trước thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến nay, là đất thánh của người Gruzia và thế giới Kito, nên gần như mỗi viên đá, tấc đất ở đây đều ẩn chứa một phần lịch sử” - Cha Irakli nói.

“Có thấy những ngôi nhà cổ kia không?”, Đức Cha Irakli chỉ tay về những ngôi nhà thấp thoáng quanh Thánh đường Svetitskhoveli. “Những ngàn năm cả đấy, tất nhiên nó được bảo tồn, trùng tu rất nhiều lần. Và mỗi lần đến hạn phải trùng tu, chính quyền lại đứng ra đi thuê nhà cho người dân ở, xong xuôi mọi việc, người dân lại được chính quyền mời về nhà mới. Và tất nhiên họ không phải bỏ ra một đồng nào, kể cả tiền thuê nhà”. Đức Cha Irakli vừa kể vừa cười đầy tự hào.

Có lẽ hai chữ Việt Nam và những câu hỏi và trao đổi khá dài về chủ đề bảo tồn di sản ở Mtskheta khiến Đức Cha Irakli thích thú nên hôm ấy tôi may mắn được Cha ban cho một đặc ân: Được uống và rửa mặt bằng nước của giếng cổ linh thiêng ở trong Thánh đường, chỉ sau những bức bích họa cổ xưa có thể đáp lại điều ước cho ai đó thành tâm khấn nguyện. “Giếng nước này cũng là một di sản cần được bảo tồn nên chỉ mở cửa cho du khách uống vào 3 ngày nhất định trong tuần và không phải hôm nay”, Cha Irakli nháy mắt với tôi đầy ẩn ý.

“Nhưng những gì Cha vừa kể vẫn chưa đủ để những ngàn năm ở đây già hơn như đang thấy?”- tôi bảo. Cha Irakli nhìn tôi thật lâu rồi bất ngờ hỏi “anh có biết Dan Brown không?”. Tôi bảo mình là fan hâm mộ của sách ông ấy.

Mắt Cha Irakli ánh lên, bảo câu trả lời, có lẽ như Dan Brown đã viết trong Origin (Nguồn cội), chắc tôi không cần nhắc lại. Tôi ngầm đồng ý với Cha bởi cái ý nghĩa sâu xa mà Dan Brown đã viết trong cuốn sách.

Đi trên đường phố những nghìn năm ở cố đô Mtskheta, tôi bỗng nhớ những trăm năm của cố đô Huế quê nhà với một tin thật vui, đó là 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được thành phố xếp hạng, công bố chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư hướng tới mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị.

Hơi tiếc là trong số đó có 2 công trình vốn chẳng dính dáng gì đến người Pháp nhưng đã lọt vào. Trong khi còn rất nhiều công trình đặc trưng của văn hóa Gô - loa vẫn đang xếp nốt chờ nhưng chẳng thấy tên đâu cả...

Gợi ý dành cho bạn