MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháp Bà Poh Nagar.

Những ngày kèn chơ vơ

HOÀNG VĂN MINH LDO | 29/04/2018 06:30
“Chị này chắc người Việt, em nhờ thử xem”. Lắc đầu không hiểu muốn nói gì. “Anh này chắc người Việt, em nhờ đi”. Lắc đầu vì bất đồng ngôn ngữ. 

Suốt gần một tiếng đồng hồ, đôi bạn - hai thanh niên trẻ tuổi mỏng manh - cứ loay hoay đứng lên ngồi xuống nhưng vẫn không nhờ được ai chụp cho mình bức ảnh kỷ niệm ở Tháp Bà Poh Nagar trong dòng người đông chật như nêm đang chen nhau xuôi ngược ngó nghiêng.

Tôi nãy giờ im lặng ngồi bên cạnh quan sát. Cứ lấy làm lạ không hiểu sao “chúng nó” không đứa này chụp cho đứa kia, xong rồi cùng “tự sướng”, sao cứ phải loay hoay tìm người nói tiếng Việt để nhờ chụp ảnh? Đến lúc không nhịn được cảm giác buồn cười, tôi đứng lên bảo “hai đứa đưa điện thoại đây anh chụp cho”. Cả hai mặt giãn ra, bẽn lẽn bảo “nãy giờ tụi em tưởng anh là khách nước ngoài nên không dám nhờ”.

Một đứa đưa cho tôi điện thoại, hướng dẫn cách chụp và dặn tới dặn lui rằng phải “toàn cảnh và có chân chúng em anh nhé” rồi dắt tay nhau ra giữa sân tháp tạo dáng. Tôi ngớ đi một lúc khi thấy hai đứa cầm tay tạo thành hình cánh chim, môi cười mãn nguyện, mắt nhìn nhau đắm đuối. Hóa ra là một “đôi bóng”! Một cảm giác vui thú lạ lẫm cứ len lỏi đâu đó trong tế bào khi lần đầu tiên trong đời tôi cận cảnh một “đôi bóng” âu yếm nhau không ngại ngần trước nghìn con mắt thiên hạ.

Nhưng rồi tâm trạng vui lạ đó cũng sớm qua đi, thật nhanh. Tôi luôn lấy làm thích thú về những buổi sáng bất chợt một mình làm lữ khách thức dậy ở một nơi chưa từng đến để được tận hưởng cảm giác bị sự cô độc và xa lạ gặm nhấm.

Nhưng hôm nay ở Tháp Bà, hình như mọi thứ đã vượt xa sự chịu đựng khi đếm tới đếm lui trong những dòng người ngược xuôi đang chen lấn nhau quanh mình, đếm mãi cũng chỉ có tôi, người bạn dẫn đường và “đôi bóng” đang tay trong tay không rời ngoài kia là có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hoang hoải, ngẩn ngơ như thể mình đang trôi trượt ở nơi nào lạ quen lẫn lộn nhưng nhớ mãi không ra.

Chợt thoảng nghe trong gió mặn từ phía biển thổi vắt lên, hình như có tiếng kèn đâu đó réo rắt buồn. Tôi lần theo điệu nhạc, bỗng bắt gặp một không gian cũ xưa trên tấm thảm thẫm màu nằm khuất sau lưng tháp. Giống một hoạt cảnh từng thấy trên tivi với bốn cô gái trong trang phục truyền thống ngồi đối mặt nhau tám chuyện.

Bên cạnh, một người đàn ông, cũng y phục truyền thống đang đơn độc phồng mang thổi kèn. Quanh người là những đạo cụ uể oải, lơ đãng cùng cái hũ kiểu như thùng phước sương trong nhà chùa để ai đó bày tỏ chút lòng hảo tâm sau khi kết thúc một hồi kèn, điệu múa.

Chỉ là diễn thôi. Cảnh thường thấy trong những khu di tích nhằm giúp du khách bớt đi chút đơn điệu và ít tiếc tiền mua vé sau một hồi loanh quanh với gạch đá ánh màu thời gian. Nhưng hôm nay hình như chỉ có tôi và người bạn đường tò mò. Mặc kệ chung quanh, các cô gái cứ nhìn nhau tám chuyện bằng thứ ngôn ngữ chỉ riêng họ hiểu và người đàn ông, mắt cứ nhìn xa xăm về đâu đó thổi cho xong điệu kèn sau một vài quãng nghỉ lấy hơi.

Tôi đưa tay vào “thùng phước sương”... Đưa thêm lần nữa vì thấy bên trong quá ư rỗng lạnh. Bất chợt tiếng kèn lạc đi một âm và ánh mắt của người đàn ông thoáng liếc về phía tôi một ánh nhìn ấm áp thay cho lời cảm ơn rồi tiếp tục phần việc của mình.

Tiếng kèn ấy, ánh mắt ấy, tôi đã chạm, đã nghe rất nhiều ở những đền tháp khác dọc miền Trung nhưng ở nơi này, sáng nay có gì đó lạ lắm. Hình như là thứ âm thanh chơ vơ, u ẩn của những phận người lâu lâu lại cất lên với những yêu thương thao thiết ngỡ luôn đong đầy quanh mình…

Gợi ý dành cho bạn