MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ con Aur rất hồn nhiên, trong trẻo. Ảnh: Thanh Hải

Ở xứ không có Facebook

THANH HẢI LDO | 31/07/2017 06:30
Chúng tôi đến làng Aur đã xế bóng. Ai cũng rã rời dẫu khoảng 20km lội bộ đường rừng. Chỉ có già làng A Rất A Vy và lũ trẻ con tiếp khách trên nhà Gươil. 

Chuyện trò chưa được bao lâu thì có ba, bốn người phụ nữ lấp ló ở cuối Gươil, rồi chuyền tay nhau những mâm cơm nếp, măng xào, cá suối kho khô và bát canh sắn. Với mấy con ếch đá hong khô trên giàn bếp nấu với sắn mà nồi canh ngọt đến lạ lùng. Có lẽ canh ngọt vì sự thơm thảo, hiếu khách. Họ đã tự phân chia nhau, mỗi người một món để có mâm cơm chung cho già làng đãi khách.

Làng Aur nằm giữa lưng chừng núi, nhưng nước sạch tự chảy dẫn về từ đầu con suối mát lạnh, dồi dào quanh năm. Khu vực chuồng gia súc, gia cầm và khu vệ sinh ở mãi tận dưới chân đồi nên làng sạch bong. Làng đồng bào thiểu số quá nhiều điều khác biệt, độc đáo.

Ngoài tua bin điện đủ thắp sáng cho làng, Aur không có bất cứ dịch vụ viễn thông hiện đại nào, sóng truyền hình không, điện thoại di động không, internet, facebook càng chẳng ai nhắc tới.

Sống chậm giữa rừng nguyên sinh rất thí vị, nhưng hấp dẫn hơn là được nghe những câu chuyện mỹ tục của người Cơ Tu nơi này. Già A Vy kể, khi ở làng có người chết, chúng tôi không đi xem bói như người Kinh, gia tộc cũng không phải nghe theo thầy cúng để quyết định là kéo dài lễ viếng bao nhiêu ngày, mà là lệ thuộc vào di nguyện người quá cố. Hơn ai hết, chính những người dân ở đây biết rõ, khi mình chết, thông tin phải vượt qua bao nhiêu ngọn núi đồi, bao khe suối bằng đường đi bộ mới đến được người thân. Họ phải mất bao lâu thời gian để đến thăm viếng lần cuối. Đó chính là thời gian kéo dài tang lễ. Chưa kể có những mối tình vụng trộm, có con ngoài giá thú ở một nơi xa nào đấy... thì chỉ có chính người đó mới biết được chính xác là cần bao nhiêu ngày.

Điều khác biệt nữa là quan tài dành cho người chết ở làng được đóng bằng gỗ gì, không phải do gia tộc quyết định, mà là do hội đồng làng. Nếu người quá cố là người sống tốt, sẽ được làng đóng cho cổ quan tài bằng loại gỗ quý, sắc màu hồng, đỏ, rực rỡ. Còn với người sống “chẳng ra gì”, quan tài là loại cây khộp, chưa bỏ xuống đất đã bị mối, mọt ăn. Thêm một loại người “khó hiểu”, sẽ có quan tài bằng gỗ mù u, đường vân rối rắm… Vì vậy, dẫu là người lạ ngang qua làng, chỉ nhìn vào chiếc quan tài, biết ngay rằng, người nằm trong kia sinh thời đã sống thế nào...

Những quy định ấy không có nghĩa tôn vinh hay hạ uy tín, nhục mạ người quá cố mà chỉ nhằm mục đích chính là giáo dục, giúp cho mỗi người trong làng biết phải sống như thế nào, để đến khi chết không làm họ tộc, con cháu “bỉ mặt” với thiên hạ. Khi sống phải biết giữ mình, sống tốt để được tiếng thơm cho bản thân, gia đình, dòng tộc và cả khi chết đi cũng không mang tiếng nhơ. Nhưng mỹ tục ấy cũng chỉ là ánh hồi quang của tộc người Cơ Tu miền núi cao, bây giờ ít nhiều đã mai một, rất ít làng còn giữ nguyên vẹn. Ở phía sườn tây Trường Sơn, bây giờ đã là mùa mưa. Nước trên thượng nguồn A Vương cuồn cuộn nhưng đã ngả màu đục đỏ. Già A Vy giải thích là do rừng đã bị tàn phá nhiều, đồi trọc không điều hoà được nước lũ.

Trên đường về, chúng tôi cố quan sát, nhưng tuyệt nhiên không thấy còn bóng dáng cây gỗ quý nào, những khoảnh rừng ít ỏi chỉ toàn là cây khộp và một ít mù u.

Người tốt bây giờ như gỗ quý?

Gợi ý dành cho bạn