MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ông lão và cô giúp việc

TẠ BÍCH LOAN LDO | 19/03/2018 07:00

“Con bé trông ông ăn cắp!”, tôi lặng người khi đọc nhắn tin của thằng em. Hôm nay mới mồng 3 Tết. Bệnh viện đến mồng 6 mới mở cửa. Đuổi nó đi hay không đuổi? Làm sao bây giờ?

Ông nằm viện đã gần sáu tháng sau cơn đột quỵ. Cả nhà bốn anh em dốc lòng chăm sóc, qua đủ các bệnh viện lớn không còn thiếu chỗ nào uy tín hơn. Tất cả đều thuộc lòng các khái niệm về đệm nước, ống ăn xông, mở khí quản, sữa bột, cháo dinh dưỡng, ống hút đờm...những thứ đụng phiên ai, người đó tự xử lý hoặc đi mua.

Có một thứ mãi không kiểm soát được, đó là thời gian. Phải có người bỏ thời gian trông ông. Nhưng họ đều phải đi làm cả, ai cũng có công có việc.

Nhà đã thuê đến người thứ 5 trông ông. Lần này vấn đề trở nên nan giải vì là tết. Tết viện nghỉ, bệnh nhân phải về nhà. Trừ những trường hợp cấp cứu hoặc quá nặng mới giữ lại. Ông được về nhà trong 10 ngày. Người trông coi cũng phải theo về ở cùng, ăn tết cùng gia đình, chọn một chỗ nằm đâu đó gần bệnh nhân.

Và rồi tất cả những bất tiện của việc có ai đó ở nhà mình ngày tết cũng được thu xếp ổn thỏa. Họ dọn nhà, sắm cỗ, bày hoa, tất niên, tân niên, mừng tuổi, chúc tết… mọi việc vui vẻ đó đã diễn ra như không hề đang có một người lạ trong nhà, miễn sao ông được bình ổn và ấm áp.

Cô gái nhận lời trông ông cũng ngoan. Với chiếc điện thoại trên tay, xem các loại phim, nó nằm trên chiếc giường xếp vuông góc với giường ông, giường bà cả ngày. Việc của nó chỉ là để ý xem ông thế nào, cho ông ăn xông và bấm máy hút đờm nếu cần.

Ô sin mới 21 tuổi, chấp nhận xa bố mẹ ngày tết để kiếm tiền. Giá của một ngày công là một triệu đồng, gấp ba ngày thường. Nó mạnh khoẻ và khéo chiều ông, thỉnh thoảng nó trêu nựng ông như một đứa trẻ.

Tìm được người trông, cậu em phấn khởi mua một cành đào nhỏ xinh cắm đầu giường ông, chụp ảnh post lên facebook “có hoa đào là có tết, thế là vui ông nhỉ”. Chỉ mấy nụ hồng lấm chấm trên cành nhú búp non mà làm căn phòng của người bệnh sáng bừng lên, như là có mùa xuân.

Không ngờ chuyện trộm cắp tiền bạc lại xảy ra.

Nhà lắp camera nên vợ chồng cậu em phát hiện được. Mấy anh em lo lắm. Bố mẹ họ vốn là giáo viên và luôn giữ nếp nhà chính trực. Họ được răn dạy nghiêm khắc từ bé nên rất sợ bố.

Hôm nay mới mồng 3. Tết còn 2 ngày nữa. Nhà vẫn chộn rộn khách ra vào, thế mà mấy anh em cứ rối bời tin nhắn qua lại trên điện thoại. Họ phỏng đoán về sự tức giận của mẹ khi việc vỡ lở. Họ sợ cơn sốc của bố khi biết các con đã phó thác mình cho một kẻ tiện nhân. Họ đau xót khi từ lâu bố không còn nói được. Mặc dù vậy, họ vẫn cố gắng để làm như không có chuyện gì. Ô sin cũng tỏ ra vô sự.

Mấy ngày tết trôi qua, đã đến lúc đưa ông nhập viện. Cả nhà cũng nói với ông sẽ có một người chăm sóc mới thạo việc hơn. Nhưng ông không đồng ý. Ông vẫn muốn giữ chỗ cho con bé làm tiếp. Trong cử chỉ và ánh nhìn của bố khiến mọi người kinh ngạc, hóa ra ông đã biết tất cả.

Ông còn yêu cầu mừng tuổi cho nó 1 triệu đồng.

Mấy anh em chỉ còn biết nhìn nhau. Mồng 6 tết là hẹn người thay thế sẽ có mặt.

May quá cô bé ô sin tự xin nghỉ, nó muốn về nhà.

Tôi không có mặt ở viện lúc nó chuẩn bị đi, nhưng nghe nói, hai ông cháu chia tay nhau đầy bịn rịn ...

Ông anh cả thì định gọi nó ra hành lang nói chuyện, ý anh: “Nói để nó sửa, làm người ngoan. Nó nghe được thì tốt, bằng không, coi như bỏ phí một cơ hội trong cuộc đời”.

Nhưng mới chỉ vừa nhận đủ tiền thanh toán và quà tết gửi cho gia đình ở quê, nó đã chào đi luôn.

Không biết vội gì, hay xấu hổ?

Gợi ý dành cho bạn