MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Blogger.

Tình già

ĐỨC LỘC LDO | 30/10/2017 06:15
Ông Hiên là em ông nội tôi. Năm tôi 10 tuổi thì ông Hiên đã U.60 nhưng da dẻ vẫn hồng hào, giai lão, hằng ngày vẫn đạp xe đi chợ huyện, cách nhà mười lăm cây số.

Vợ ông Hiên mất sớm, để lại 6 đứa con, ba trai, ba gái. Ông nội tôi kể, một tay ông Hiên nuôi đàn con khôn lớn. Ai cũng biết làm ăn, khi lập gia đình họ đều khá giả.

Tôi nhớ cứ mỗi lần cúng giỗ, Tết, con ông Hiên nổi bật hơn cả, đi xe đẹp, áo quần đẹp, và đặc biệt luôn lì xì cho tôi những tờ xanh đỏ to. Giữa thời mà cả làng tôi đều nghèo, lì xì cho con nít chỉ đúng hai trăm đồng.

Ông Hiên ở một mình, trong căn nhà gỗ ba gian từ xưa. Mẹ tôi bảo đó là sở thích độc lập của người già. Tôi thắc mắc rằng ông Hiên già rồi, con cháu giàu có sao không về cho họ chăm nuôi, như ông nội chẳng hạn, sướng hơn nhiều. Mẹ tôi cười chẳng nói gì.

Chuyện ông Hiên cứ bình yên như thế nếu như không có ngày ông tuyên bố cưới vợ. Chẳng phải cưới một bà U.60, mà ông đòi cưới o Liên - U.40, không chồng nhưng một con, ở trong làng.

Thế là to chuyện!

Đầu tiên, 6 đứa con tập trung về nhà ông Hiên đúng một ngày. Hôm đó tôi cứ tưởng ông Hiên bị bạo bệnh gì. Cho đến khi tiếng chú Mai, con trưởng hét lên: “Thầy cần gì chúng con đáp ứng hết, trừ việc cưới vợ”.

Sau đó là tiếng mấy chú và o còn lại, ai cũng phản đối chuyện ông cưới vợ, ai cũng bảo cưới vợ là xấu mặt họ hàng, con cháu, bảo o Liên chỉ nhìn vào căn nhà và miếng đất chứ yêu đương gì…

Tin nổ ra, làng tôi lại có chuyện để bàn tán. Tất nhiên chẳng có ai ủng hộ ông Hiên cưới vợ cả, họ bảo rằng già mà còn ham.

Ông Hiên từ ngày đó mặt lúc nào cũng đăm chiêu, buồn rầu. Một sáng, ông không đi chợ huyện như mọi bữa mà sang nhà tôi, trên tay xách một bịch lòng lợn. Ông đưa cho mẹ tôi làm mồi nhậu, đưa tôi mười nghìn đi mua rượu.

Ông ngồi với ông nội uống từ sáng đến trưa ngà ngà, rồi nói như khóc: “Em từ mặt hết chúng nó”. Ông nội tôi ngồi gật gù không nói. Tôi cũng được ngồi cạnh, chỉ ăn lòng lợn, không hiểu chuyện tình này lắm, nhưng thâm tâm thì mong ông Hiên cưới o Liên thật. Vì tôi nghĩ cạnh nhà mà có một đám cưới thì vui phải biết.

Khi chai rượu gần cạn. Mắt ông Hiên đỏ ngầu. Rồi ông nói thêm như quyết tâm lắm: “Em sẽ cưới. Kệ cha chúng nó”.

Hôm sau, tôi lại thấy ông Hiên vui tươi đi chợ huyện. Tôi nghe mẹ và mấy bà hàng xóm bàn tán trong bếp rằng đợt này ông đi chợ sớm hơn, để ghé nhà o Liên. Nghe nói sáng đó ông mua cho o Liên một ký lòng lợn.

Một lần nữa to chuyện!

Con cháu lại kéo về nhà ông Hiên. Lần này họ tuyên bố hùng hồn hơn, rằng nếu thầy mà cưới thì đừng trách bọn con. Rằng, để bọn con nói trắng đen với mụ Liên. Rằng, con sẽ nổ bộc phá cho thầy xem.

Bộc phá không nổ nhưng ba đứa con gái ông Hiên kéo đến nhà o Liên. Ngày đó làng đông như hội, người ta hiếu kỳ kéo đến xem. O Liên ngồi trong nhà còn ba cô con gái ông Hiên thì sa sả chửi từ ngoài sân. Xen lẫn giữa những tiếng chửi rất tục là tiếng o Liên khóc. Tôi bị mẹ đuổi về vì con nít. Sau bữa đó, o Liên bỏ ra Hà Nội làm osin rồi biệt tích.

Năm ngoái tôi về quê, ông Hiên giờ đã ngoài 70, da dẻ vẫn hồng hào, vẫn đạp xe đi chợ huyện. Có điều, tâm trí hay xuất ra ý lạ. Có đêm ông Hiên xuống quậy thùm thùm giữa ao, hàng xóm bổ sang hỏi “chuyện gì thế”? ông Hiên đáp: “Có con chim ngũ sắc đuôi dài lắm, nó vừa đáp xuống đây”!

Gợi ý dành cho bạn