MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Himmag,

Trong cơn giông

ĐỨC LỘC LDO | 23/04/2018 06:49

Gã bảo, Sài Gòn dạo này đỏng đảnh, đang yên đang lành bỗng mưa vào nửa đêm. Mà mưa đâu phải dạng vừa, mưa kèm theo gió mạnh, thốc vào mái tôn, gầm rú như lợn bị chọc tiết. Mưa trái mùa làm gã mất ngủ, và gã trở thành tai mắt bất đắc dĩ của xóm trọ đầy rẫy thị phi này.

Đêm hôm ấy là đêm nào gã không nhớ rõ, chỉ nhớ mưa trút xuống như ai mang trống ra mà đánh. Gã thao thức và chợt nghe tiếng xoong chảo chan chát, tiếng quát mắng chửi thề, tiếng khóc, tiếng bình bịch như ai đấm đá vào tường vang đến từ phòng cách gã nửa dãy. Lại ghen tuông vợ chồng, kệ, gã chậc lưỡi nhủ thầm rồi đắp chăn, mong mưa lớn để át đi tiếng thét nơi phòng trọ nhỏ.

Kể đến đây chợt gã im lặng vài phút, rồi ngồi thở dài bảo đêm hôm ấy là đêm gã không thể nào quên được. Khi tấm thân đã ấm trong chăn, gã nghe tiếng ai gõ cửa, nhè nhẹ mà thút thít như vừa khóc vừa lấy tay bịt miệng.

“Anh ơi, em chết mất”, gã bảo tiếng kêu ấy làm gã bật dậy, khi toàn thân đã nổi da gà. Mở cửa, trước mắt gã là cô vợ trẻ cách phòng gã nửa dãy, trên khuôn mặt tèm nhem nước mắt, nước mũi, nước mưa trộn đều như ly sinh tố. Khi gã chưa kịp định hình, cô gái đã lao vào, ngồi thu một góc phòng, khóc, “may mà lúc ấy ngoài trời mưa mỗi lúc một lớn” - gã nói.

Và đêm đó là một đêm dài không thể ngủ, gã trở thành chiếc máy ghi âm trong câu chuyện không rõ vui hay buồn của một người dưng không thân thiết.

“Cô ấy 25 tuổi, sắp hai đời chồng. Ý là, người chồng bây giờ chỉ lấy nhau sau một tháng gặp mặt, cưới chạy bầu. Trước ngày cưới, họ hàng ai cũng phản đối, bảo thằng này nhìn gian quá, lại có tiền sử hút chích, hôm về ra mắt còn ngây ngây sùi bọt mép như ngáo thuốc. Ai cũng khuyên cô bỏ cái thai đi, cô nghe, nhưng hôm ra bệnh viện nằm khóc một hồi rồi về. Cô bảo lấy chồng khổ cô chịu nhưng không bỏ đứa con đi được”. Đứa con mà người ta khuyên bỏ đi là cậu bé mà hay lon ton chạy sang phòng gã mỗi chiều.

Gã lại thở dài, câu chuyện như nghẹn đắng nơi cổ họng. Phải một lúc, gã mới kể.

“Trong thời gian ở với chồng nơi này, cô quen một người, ít hơn cô hai tuổi. Người ta gọi là “bộ đội”, ở đất Sài Gòn một mét vuông có 3 thằng bộ đội. Cô quen anh hôm chồng đánh, cô chạy và bắt xe anh về nhà mẹ đẻ. Anh lái taxi, cô trở thành khách quen, vì chồng đánh đôi khi còn nhiều hơn số chuyến taxi anh chạy. Rồi cô đem hết tâm tình gửi vào người lạ, anh taxi chỉ lắng nghe, ậm ừ những từ chẳng rõ lời”. Thế mà họ hiểu nhau, lạ thật, gã kể đến đây thì mắt gã lấp lánh như trút được nửa gánh nặng.

“Chiếc taxi đón cô ấy vào lúc 3g sáng. Cô ấy bảo, đây là lần cuối chiếc taxi đón cô ở dãy trọ này, nghĩa là cô đi. Và cô có cảm giác mình làm đúng, không giống như cảm giác ngày cô quyết lấy chồng. Anh lái taxi trẻ măng, nắm tay rồi tháo chiếc dây chuyền đeo lên cổ, tay anh vuốt nhẹ vào bụng cô, nơi ấy mưa ướt làm nhô lên. Cô cảm ơn rồi đi”.

Đến đây, gã trầm ngâm nhấp ngụm trà, bảo rằng trên đời này chẳng có bi kịch nào giống nhau. Sau đêm đó, gã không biết thông tin gì về cô, gã chỉ nhớ, lúc quay vào phòng, trời đã tảng sáng, mưa đã vơi và radio nhà ai đang báo “trong cơn giông cần đề phòng gió lốc”.

Gợi ý dành cho bạn