MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vẻ đẹp Nga. Ảnh: Dmitri Smirnov.

Từ Việt sang Nga. Từ Nga sang Việt

TUYỀN LINH LDO | 03/11/2017 06:26

1. Chiều thứ bảy thong thả vui được ả con đưa đi đường sách, bất ngờ ở quầy sách cũ tìm được cuốn mấy năm qua định bụng mua mà lãng nhãng quên mất - ấy là “Marian Tkachev người bạn tài hoa và chí tình”.

Marian N.Tkachev và Nikolai I.Niculin là hai nhà Việt Nam học hàng đầu của Nga. Giáo sư Nikulin tôi đã gặp ở Mátxcơva và Sài Gòn. Đểnh đoảng, tôi để đâu mất số báo có bài phỏng vấn ông, bức ảnh chụp ông ở Sài Gòn. Nhưng tôi nhớ rõ khoảnh khắc hỏi ông về khoảng trống trong nghiên cứu Việt Nam của người Nga sau năm 1986. Ông hồi lâu im lặng, rồi mới trả lời. Ông hy vọng, những nhà Việt Nam học của Nga sau này tài năng, chuyên tâm lấp khoảng trống đấy.

Còn nhà văn - dịch giả Tkachev, thời sinh viên, Moskva cách nay 25-30 năm, tôi chỉ biết phong thanh ông là thầy của 6 nhà văn, nhà thơ đi từ Hà Nội hình như là những người Việt cuối cùng nhận học bổng hữu nghị tại Trường viết văn Gorki.

Đọc sách, tôi mới vỡ ra, vì sao dịch giả Thúy Toàn, Giáo sư Phạm Vĩnh Cư - người được cho là nắm vững một thứ tiếng Nga quý tộc và chuẩn mực đã chọn cụm từ “Người bạn tài hoa và chí tình” khi nói về Marian Tkachev. Trong bài “Thầy của chúng tôi” ở trang 528, tác giả Thùy Linh viết: “… Nhóm chúng tôi sang nước Nga, đến với Thầy, khiến Thầy vui hơn một chút trong 4 năm. Một niềm vui nhỏ bé, le lói, yếu ớt. Cả bảy thầy trò cùng theo đuổi một đam mê tuyệt vọng giữa thời buổi Liên bang Xô viết tan rã... Nhưng tình yêu thương, sự chia sẻ, tận tâm của Thầy dành cho chúng tôi thì vẫn đó, vẹn nguyên cho đến tận sau này…”

Ba chục năm qua, sáu học trò của Marik (cách gọi trừu mến M.Tkachev) đã làm/mang lại được những gì hữu ích, cập nhật mỗi ngày về nước Nga cho người Việt mình?

2. Có một tờ báo cuối tuần tôi hay đọc vì đây là tờ báo duy nhất hiện ở trong nước hầu như hàng tuần có bài về nước Nga với thông tin mới, có đường hướng rõ ràng.

“Chủ xị” các bài viết, dịch là nhà báo Phan Xuân Loan - một người miền Nam, lưu học sinh ở Krasnodar. Chị dùng nhiều bút danh, dịch, viết bài về nhiều lĩnh vực, nhưng chuyên sâu có lẽ là mảng văn học. Tôi thích đọc những truyện ngắn, trích đoạn những tiểu thuyết mới của một vài nhà văn Nga hiện đang nổi tiếng ở Nga do Phan Xuân Loan dịch, giới thiệu.

Có một truyện ngắn, tôi không nhớ tên tác giả, tên truyện, tên nhân vật, nhưng nhớ rõ cảm giác ấm áp khi đọc, đấy là về một người đàn ông không họ hàng thân thích, mỗi mùa hè vào kỳ nghỉ, anh lại tới ngôi làng xa lạ, sửa sang dọn dẹp nhà cửa cho một bà lão. Và họ đã trở thành người thân của nhau. Một truyện ngắn trong trẻo, êm ái làm sao.

Phan Xuân Loan vừa cho ra một hai tập sách chị mới vừa biên dịch.

3. Nhà Việt Nam học, Nga học, Mỹ học, Trung Quốc học, Iran học… cả trăm những định danh dành cho những nhà nghiên cứu lâu năm của quốc gia này với quốc gia kia. Có những người, như chính họ sau này “tự thú”, kể lại, xuất phát điểm của việc nghiên cứu đôi khi là vì “tổ chức phân công”, “có một nghề nuôi sống trước mắt”…, nhưng dần dà bị chính đất nước, nền văn hóa mình nghiên cứu thu phục quyến rũ. Tình yêu, sự kính trọng, những nghĩ suy, góp ý xác đáng tỉnh táo cho đất nước mình nghiên cứu từ đó mà nảy nở.

Cũng vậy thôi, với những nhà Việt Nam học của Nga hay những dịch giả, nghiên cứu, nhà báo “liên quan, dính líu” đến Nga của Việt Nam. Với sự đồng cảm, thông hiểu, và cả tình yêu quý, họ đã, đang dệt nên tấm vải mang tên Nga - Việt và cố gắng lấp những khoảng trống tri thức về hai bên bởi thời cuộc tạo ra.

Việc dệt tấm vải tri thức - hiểu biết này không thể bị dứt ngang.

Gợi ý dành cho bạn