MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Yêu nhiều quý

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 07/09/2018 06:25
Cuối tuần, tiệm uốn tóc đầu hẻm như thường lệ trở thành “spa” của xóm lao động nghèo. Cắt tóc hai lăm ngàn, làm móng mười ngàn, gội đầu thì hai chục... 

Hạnh loay hoay vừa quết thuốc nhuộm tóc cho bà Sen bán thịt xong đã cúi xuống làm móng cho một cô làm nghề chẻ rau muống. Hạnh ráng làm thật nhanh. Vì còn 3 khách đang ngồi ghế chờ gội đầu, lột mụn cám.

Tiệm đang rôm rả thì ông Thường bước vào. Thấy bà Sen, ông chững lại vài giây, rồi cười cười cố tỏ vẻ tự nhiên: “Ô, tóc cô Sen còn đen nhánh mà nhuộm chi sớm vậy?”. Bà Sen hơi rướn cổ ra trước để nhìn rõ mái tóc mình trong gương: “Anh coi vậy chứ tóc tui thỉnh thoảng có vài cọng bạc trắng. Anh Lịch ảnh để ý kỹ lắm. Bạc cọng nào, ảnh biết cọng đó”. “Ừa, sống với nhau mấy chục năm mà vẫn quan tâm nhau từng chút vậy là yêu nhiều quý đó. Trai gái giờ cứ nói yêu quý mỏi miệng vậy chớ có khi yêu được có một vài quý là chán nhau dữ lắm rồi”. Cả tiệm phá lên cười vì kiểu chơi chữ hóm hỉnh của ông Thường. Riêng Hạnh lại bặm chặt môi, mắt ầng nậng nước. 

Ông Thường sống một mình trong căn nhà này, không vợ con, không anh em thân thích. Ông cho thuê lại phòng khách để làm tiệm tóc, mỗi tháng lấy 4 triệu tiêu xài. Những người già trong xóm ai cũng biết về mối tình tay ba thời trẻ giữa ông - bà Sen - ông Lịch. Ông và bà Sen yêu nhau 5-6 năm trời mà không cưới được. Cha mẹ bà Sen chê ông Thường nghèo nên gả con gái cho ông Lịch. Từ ngày người yêu lấy chồng, ông Thường không qua lại với ai, sống cảnh cô độc cho tới giờ.

Hạnh chạnh lòng nghĩ, hiếm có người đàn ông nào chung tình như ông Thường. Chẳng bù cho “thằng chồng” mình, đúng kiểu “yêu một quý”. Hồi đó, quen nhau được 3 tháng, Hạnh lỡ dại có bầu nên ba mẹ hai bên phải làm đám cưới chạy. Vừa cưới, chồng Hạnh đã chẳng mấy khi về nhà, tối ngày ra ngoài nhậu nhẹt bù khú. Rồi sau thì dính vào ma túy. Hạnh vác bụng bầu đi làm thuê ở tiệm tóc, lương tháng ba triệu rưỡi, cố dành dụm để nuôi con. Ai ngờ “thằng chồng” biết chỗ cất tiền, về lấy sạch. Hạnh viết đơn xin ly dị, anh ta nhất quyết không ký. Phải đến lúc “thằng chồng” bị bỏ tù vì tội ăn cắp, Hạnh mới được giải thoát.

Lần trước, nghĩ dù gì cũng từng là vợ chồng, cô khăn gói vô tù thăm anh ta. Chồng Hạnh mặt câng câng như không có gì, tuyên bố gọn lọn: “Ra tù anh xử em nha”. Tức quá, Hạnh hét lên khiến cán bộ đứng canh cũng phải giật thót: “Tao cầu cho mày ở tù suốt đời!”.

“Á á á Hạnh! Mày cắt dính thịt cô chảy máu rồi nè, trời...”. Tiếng la thất thanh của khách khiến Hạnh tỉnh cả người. Cô bất giác ôm mặt khóc hu hu. Cô Thành tưởng mình lỡ miệng, vội dỗ dành: “Thôi hổng sao mà, đưa cô miếng bông gòn được rồi”. Mấy vị khách ngồi chờ bật cười: “Chị Thành nha, la lớn làm con nhỏ sợ khóc luôn rồi. Lát nhớ bo cho nhỏ 5 ngàn ăn chè bưởi nghe hôn!”.

Hôm đó, Hạnh làm đến 9 giờ tối mới được đóng cửa tiệm ra về. Đà Lạt gió đêm lạnh buốt, ánh đèn đường lờ mờ khiến bóng cô gái trở nên liêu xiêu, méo mó: “Đến đường cũng lắm ổ gà ổ vịt nữa là sao!”. Hạnh muốn buông một tiếng chửi thề ghê gớm. 

Gợi ý dành cho bạn