MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bi kịch gia đình mang tên đích tôn trong phim "11 Tháng 5 Ngày"

Hải Ngọc LDO | 31/08/2021 17:30

Trong phim "11 Tháng 5 Ngày", chỉ vì quan điểm phải có cháu đích tôn mà bà nội đã tạo ra một khoảng cách lớn đối với Nhi.

Bộ phim "11 Tháng 5 Ngày" là câu chuyện đầy sự trẻ trung, sôi nổi, tích cực và tiếng cười của Tuệ Nhi (Khả Ngân) và những người bạn, cho dù họ đang vật lộn với những rắc rối chưa tìm ra lời giải.

Mẹ mất sớm, Nhi là con một nên cô đã quen nhận được sự yêu thương và chiều chuộng của bố. Tuy nhiên, Nhi lại không tìm được tiếng nói chung với bà nội, giữa Nhi và bà nội luôn có một rào cản vô hình rất lớn.

Trong tập 14 bộ phim "11 tháng 5 ngày" mới đây đã hé lộ quá khứ liên quan đến bà nội và sự ra đi của mẹ Tuệ Nhi. Có lẽ chính vì lý do này mà Nhi luôn có sự xa cách đối với bà nội của mình.

Bố Nhi vốn là con con một trong gia đình độc đinh nhiều đời, vì vậy, ngay từ lúc cưới mẹ Nhi về, bà nội cô đã "giao hẹn" với mẹ Nhi phải đẻ bằng được con trai.

Bà nội Nhi nói với mẹ Nhi rằng: "Hồi mới cưới chị về, mẹ đã nói rồi, nhà mình độc đinh mấy đời, bây giờ phải đẻ bằng được thằng con trai". Dù mẹ Nhi đã van nài: "Mẹ ơi, con cũng muốn lắm chứ ạ nhưng có phải muốn là làm được đâu ạ?" nhưng bà nội vẫn cương quyết: "Đã muốn là phải làm, mà đã làm là phải làm bằng được mới thôi".

Bà nội Nhi “giao hẹn” với mẹ Nhi về việc cháu đích tôn trong phim “11 Tháng 5 Ngày“. Ảnh: CMH

Trong khi đó, mẹ Nhi mang một khối u và bác sĩ khuyên không nên mang thai vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, vì áp lực "đích tôn" nên mẹ Nhi bất chấp sự nguy hiểm tính mạng. Bi kịch xảy ra khi mẹ Nhi đã qua đời ngay trên bàn đẻ và Nhi mồ côi lúc 10 tuổi. Từ đó, với Nhi, bà nội là lý do khiến cô mất mẹ, cô luôn hằn học và xa cách bà nội từ đó.

Quan điểm cháu đích tôn nối dõi không chỉ tồn tại trong phim "11 Tháng 5 Ngày" mà còn xuất hiện trong nhiều gia đình. Trên thực tế, tư tưởng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một con trai được kể là có con, mười con gái kể như không có con) vẫn còn nặng nề trong nhiều gia đình.

Bi kịch xảy ra khi mẹ Nhi qua đời vì sinh con trai. Ảnh: CMH

Có một vấn đề là ở Việt Nam bấy lâu nay, các vấn đề về giới vẫn được coi là vấn đề của phụ nữ. Vì vậy, không ít những người phụ nữ khi về nhà chồng phải chịu áp lực việc sinh cháu đích tôn. Sinh con trai để nối dõi tông đường với mong muốn sẽ làm dòng họ rạng rỡ, tổ tiên vinh hiển. Suy nghĩ này không sai. Nhưng vô hình trung, nó gây áp lực cực lớn cho không chỉ người phụ nữ mà còn là những người là con một, cháu đích tôn. Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng từ đây mà ra.

Và tương lai, khi nam thừa, nữ thiếu sẽ dẫn đến hàng loạt thách thức lớn, điển hình như khó tìm vợ, mất cân đối về nhân sự trong các ngành nghề xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội.

Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị của gia đình đang dần biến đổi, tư tưởng trọng nam khinh nữ không còn nặng nề. Do đó, giới trẻ đang có xu hướng "cởi trói" dần nghĩa vụ đích tôn của mình.

Tuy nhiên, còn một số gia đình vẫn nặng nề với nghĩa vụ đích tôn, áp đặt chuyện sinh nở đối với con cái. Thế nhưng con nào cũng phải có trách nhiệm hiếu thảo với cha mẹ, làm cha mẹ tự hào. Vì thế, quan niệm "cứng nhắc" về cháu đích tôn cần được xoá bỏ và thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn