MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ đầy đủ và chi tiết nhất

Hải Ngọc LDO | 24/06/2020 12:00

Ngày Tết Đoan Ngọ là một tục lệ cổ truyền, không bắt buộc mỗi gia đình phải sắm sửa, cúng bái linh đình mà tùy từng điều kiện gia đình.

Trong tiềm thức của người Việt, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Dân gian tin rằng, trong hệ tiêu hóa thường có sâu bọ, nếu không giết đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ để cúng bái tổ tiên.

Theo truyền thống, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ gồm các lễ vật:

- Hương, hoa, vàng mã

- Nước, rượu nếp

- Các loại hoa quả

- Bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp

- Xôi, chè

Tùy theo quan niệm của từng vùng mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.

Trên mâm cúng của người miền Bắc thường có trái dưa hấu đỏ, miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên Huế thì không thể thiếu chè kê và thịt vịt. Vốn dĩ, người dân chọn thịt vịt mà không phải thịt heo, bò, gà là vì người Việt xưa tin rằng thịt vịt mát, ăn vào sẽ làm mát cơ thể cả năm.

Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi, một số gia đình nấu xôi chè cúng lễ, nhà nào có trồng cây thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái trái ăn.

Mâm cúng của người miền Nam thì không thể thiếu bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc… Sau khi cúng xong, cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm để ăn những món ăn này.

Người Việt xưa thường cúng Tết Đoan Ngọ vào giữa trưa ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Tuy nhiên, thuận theo sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục trong ngày này đã được tinh giản đi, và cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào cũng không còn được quy định rõ mà thường sẽ được từng gia đình sắp xếp cho phù hợp với thời gian sinh hoạt. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn