MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Món bánh bao. Ảnh NVCC

Cách ly xã hội: Mỗi người trong gia đình đều có thể thành “siêu đầu bếp”

ANH THƯ LDO | 09/04/2020 13:00

Thực hiện cách ly xã hội, phòng chống dịch COVID-19, nhiều gia đình đã bỏ lại những bận rộn trong công việc, có thời gian quây quần, sum họp với nhau nhiều hơn. Tranh thủ lúc này, mỗi thành viên trong gia đình đều xắn tay vào bếp, trổ tài nấu nướng.

Vốn là nhân viên truyền thông, thời gian này chị Trần Thuý (Sinh năm 1994 - Khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội) được cơ quan cho làm tại nhà. Vì vậy, chị thừa nhận có thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn.

Món ăn cho chị Thuý chế biến. Ảnh NVCC

Chị Thuý cho biết: “Thực hiện cách ly xã hội, tôi làm việc tại nhà nên cũng không đi ăn ngoài hàng như trước. Vì có nhiều thời gian hơn, nên niềm đam mê nấu nướng trong tôi trỗi dậy, hoàn toàn không sử dụng đồ ăn sẵn nữa. Ngày nào cũng phải suy nghĩ hôm nay ăn gì, nấu gì cho bữa cơm gia đình phong phú”.

 Trà sữa nhà làm. Ảnh NVCC

Mỗi khi nhìn thấy chồng con ăn ngon miệng, chị Thuý lại có thêm nhiều động lực để nấu nướng đa dạng hơn. “Trong lúc mình nấu thì chồng cũng phụ giúp một tay nên càng thắt chặt tình cảm gia đình. Ai ai cũng sống chậm để lắng nghe và cảm nhận được giá trị đích thực của gia đình” – chị Thuý nói.

Bên cạnh đồ ăn bữa chính, gia đình thường xuyên làm thêm đồ uống, những món ăn vặt như trà sữa, bánh trái… Chị Thuý cho biết, nhiều khi chị thấy hết sạch những đồ làm bánh tại siêu thị gần nhà. Có vẻ gia đình nào cũng tranh thủ thời gian này chăm chút, nấu nướng nhiều hơn.

Thời gian cao điểm chống dịch COVID-19, cửa hàng nhà chị Nguyễn Thanh Thuỷ (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng đóng cửa. Ngoài việc kèm hai con học tập ở nhà, chị cũng lắng nghe con nhiều hơn. Trước đây công việc kinh doanh bận rộn, đôi khi có những món ăn con thích nhưng chị lại không có thời gian nhiều để nấu nướng theo yêu cầu.

Cách ly xã hội là thời gian mỗi thành viên trong gia đình chăm chút căn bếp nhiều hơn. Ảnh NVCC

Chị Thuỷ cho biết: “Trong thời gian cách ly xã hội, tôi thường đi chợ mua đồ ăn cho 3-4 ngày. Dịp này, tôi có nhiều thời gian  rảnh rỗi để nấu nướng nhiều hơn. Ngoài những lúc kèm các cháu học tập, mình có thể quan tâm con, chế biến thêm những món ăn các cháu thích”.

Vừa tốt nghiệp trường Đại học Lao động – Xã hội, chị Tạ Thu Hà (quê ở thị trấn Lâm Thao, Phú Thọ) cũng nhận làm thêm nhiều công việc ở Hà Nội. Tuy nhiên, do tình hình bệnh dịch, chị Hà đã tạm thời về quê, phụ giúp bố mẹ bán hàng.  

Chị Hà cho biết: “Trước đây, gia đình có cửa hàng bên cũng rất bận bịu và mọi người không có quá nhiều thời gian chia sẻ với nhau. Đôi khi, đến bữa ăn còn có người ăn trước, người ăn sau”.

Từ khi thực hiện Chỉ thị cách ly toàn xã hội, cửa hàng được đóng cửa, dừng mọi hoạt động mua bán. Vì vậy, mọi người trong gia đình đều quây quần ở nhà.

“Đúng là ở nhà nhiều có bí bách thật, nhưng đây cũng là lúc mà tôi ở bên gia đình nhiều hơn và thực hiện niềm đam mê nấu nướng bấy lâu. Mỗi ngày tôi lại tự tìm tòi các món ăn mới, lạ từ sách, trên Internet. Những món ăn vừa ngon, bổ dưỡng  sẽ bồi bổ sức khoẻ tốt nhất cho gia đình. Và lúc này, ai cũng có thể trở thành “siêu đầu bếp” của gia đình” chị Hà nói.

Món mứt táo. Ảnh NVCC

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của xã hội, song cũng tạo khoảng thời gian để mọi người sống chậm hơn, bỏ bớt những bận rộn trong công việc hằng ngày. Căn bếp của mỗi gia đình lại đỏ lửa và mọi người quan tâm, lắng nghe nhau nhiều hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn