MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chia sẻ của các bà mẹ về cách dạy con quản lý tiền lì xì năm mới Canh Tý

Hương Mai LDO | 19/01/2020 10:30

Trẻ con mong chờ Tết đến để có tiền lì xì và Tết cũng khiến không ít bà mẹ lo lắng về việc dạy con quản lý tiền lì xì đúng cách.

Chị Cao Thị Ngọc - giáo viên mầm non, 31 tuổi:

Dạy con hiểu đúng về việc "đút lợn"

Vì con trai còn nhỏ nên chưa biết cách sử dụng tiền nên vợ chồng chị Ngọc giúp con sắm vài chú lợn bằng nhựa, sứ hay thạch cao để tiết kiệm một khoản tiền cho con. Đối với chị Ngọc, đây là một cách giữ tiền hợp lý cho con.

Theo lời chị Ngọc, con trai chị là một cậu bé khá hiếu động và nhiều mơ ước nên cậu bé luôn mong muốn có được nhiều thứ. Vào dịp Tết nếu không dạy con hiểu về đúng về lì xì, cậu bé sẽ đòi bố mẹ dùng tiền đó để mua những thứ thích và muốn.

Chị Cao Thị Ngọc và con trai. Ảnh: NVCC

"Nếu không quản lý số tiền đó sao cho hợp lý thì con có thể làm mất hoặc khi muốn sử dụng khoản nào đó cho con cũng sẽ gặp khó khăn. Nếu sắm cho con những chú lợn đất, con vừa quản lý được tiền của mình lại biết giá trị của đồng tiền hơn. Từ đó, con sẽ hiểu việc “đút lợn tiết kiệm” mà bố mẹ dạy con mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của con" chị Ngọc nói.

Chị Trần Lan Anh - kinh doanh, 34 tuổi:

Mua bảo hiểm để bảo vệ cho chính các con

Theo quan điểm cá nhân của chị Lan Anh, tùy từng lứa tuổi của con sẽ có những hướng giải quyết khác nhau về tiền lì xì.

Các bé từ sơ sinh cho đến dưới 7 tuổi, nhận thức của các bé chưa được hoàn chỉnh, bố mẹ hoàn toàn có thể giữ tiền mừng tuổi hộ con và sử dụng để mua sắm những thứ thiết yếu cho con, hoặc có thể sử dụng số tiền đó mua một gói bảo hiểm để bảo vệ cho chính các con.

Gia đình của chị Lan Anh. Ảnh: NVCC

Các bé trên 7 tuổi thì có thể mẹ mua cho các con một chú lợn tiết kiệm. Để tận tay các con đút vào và hướng các con đến suy nghĩ sẽ sử dụng số tiền đó theo hướng tích cực.

Ví dụ như vào năm học mới bố mẹ sẽ dùng số tiền đó mua đồ dùng học tập mới, đóng học cho con và trích một số nhỏ để tham gia vào chương trình từ thiện ủng hộ các em bé khuyết tật, khó khăn do sự phát động của trường. Đây cũng là cách mà chị Lan Anh đang áp dụng cho con trai lớn 7,5 tuổi.

Chị Mai Thị Tuyết Nhung - giáo viên cấp 3, 29 tuổi:

Cần có sự thỏa thuận với con

"Tôi nghĩ bố mẹ và con nên có sự thỏa thuận về khoản tiền này. Bây giờ lì xì mang tính thương mại nhiều, không như ngày xưa nữa. Trước kia số tiền lì xì của con chỉ là vài chục đến tiền trăm, bây giờ con số đó lớn hơn gấp nhiều lần. Vì thế, bố mẹ không thể để con tự chi tiêu và quyết định được.

Nếu con nhỏ, bố mẹ sẽ để con bỏ vào hộp tiết kiệm rồi sau đó bố mẹ sẽ dùng nó để chi tiêu" chị Nhung nói.

Chị Tuyết Nhung. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thùy Trang - giáo viên cấp 2, 38 tuổi:

Để các con giữ tiền mừng tuổi

Là người mẹ của 3 cậu con trai đáng yêu và tinh nghịch, mỗi dịp Tết, chị Trang thường mua cho các con những chú lợn đất xinh xắn. Chị cũng thường chia sẻ với các con như một người bạn thân thiết, để các con biết trân trọng tiền mừng tuổi cũng như tình cảm của mọi người.

Với gia đình chị Trang, các con cũng đã khá lớn nên chị để các con giữ tiền mừng tuổi. Và chị coi đây là dịp để hướng dẫn các con cách quản lý và sử dụng đồng tiền.

Chị Trang và hai cậu con trai sinh đôi của mình. Ảnh: NVCC

Chị Trang chia sẻ: "Tôi nói cho các con biết về ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi, hướng các con đến giá trị tinh thần của phong tục này, đồng thời bảo các con có thể sử dụng tiền đó vào những việc như trích ra mua dụng cụ học tập, hoặc mua một món đồ chơi mà con thích, mua món quà nhỏ tặng người thân nhân dịp sinh nhật. Số tiền còn lại có thể để tiết kiệm. Qua đó, các con sẽ hiểu ý nghĩa, giá trị thực sự của việc mừng tuổi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn