MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lì xì ngày Tết - một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Bích Hà

Đừng để chuyện lì xì Tết bị thương mại hoá

Thảo Quyên LDO | 06/01/2023 11:58

Lì xì ngày Tết là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, tục lì xì đang dần mất đi những giá trị tốt đẹp vốn có. 

Chứa đựng giá trị lớn

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Văn hóa Phạm Việt Long cho biết, lì xì Tết là việc người lớn “mừng tuổi” cho trẻ con để đánh dấu một năm mới bắt đầu. Thông qua việc lì xì, người lớn chúc cho trẻ nhỏ một năm mới may mắn, mạnh khỏe, gặt nhiều thành công trong công việc, học tập.

Tục lì xì không còn giới hạn trong việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ. Con cái cũng có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà. Đó gọi là chúc thọ, nghĩa là mong cho ông bà sống thọ, sống lâu cùng con cháu.

Tiến sĩ Phạm Việt Long cũng chia sẻ thêm: “Bao lì xì tuy nhỏ nhưng chứa đựng trong đó một giá trị to lớn. Mà đã nói to lớn thì phải xét về ý nghĩa tinh thần, còn nếu xét về vật chất thì không còn to lớn nữa thậm chí mất đi ý nghĩa của nó.

Khác với ngày xưa người ta chỉ cần ít tiền, tiền mới, có thể có thêm nhiều loại khác nhau như tiền hào, tiền xu... Bây giờ người ta phải cho thật nhiều, cho làm sao người này bằng người kia”.

Tặng lì xì Tết là một phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thanh Ngọc

Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, cũng như việc tặng quà Tết, những năm gần đây, lì xì ngày càng trở nên “đắt giá” và càng bị biến tướng theo xu hướng thương mại hóa. Có những thứ lì xì có thể gọi là “siêu lì xì” từ ôtô đến chung cư, đất đai... Lúc đó không thể gọi là quà hay lì xì mà có thể gọi là hối lộ”.

Gìn giữ ý nghĩa truyền thống của bao lì xì

Tiến sĩ Phạm Việt Long cho rằng, lì xì là một nét văn hóa tốt đẹp cần được duy trì. Lì xì không phải là để cân đo, đong đếm giá trị bên trong mà là niềm vui, phấn khởi, háo hức khi nhận được sự quan tâm, tình cảm của người trao tặng.

“Chính trong gia đình, những người bố, người mẹ phải tự điều chỉnh, giáo dục cho con cái từ bé. Dạy cho những đứa con hiểu về ý nghĩa ngày Tết, ý nghĩa của bao lì xì, ai là người đáng được lì xì. Rằng người lớn chỉ cho lộc chứ không phải cho vật chất, tiền của. Người lớn phải làm gương, mẫu mực để cho những đứa trẻ noi theo” - Tiến sĩ Phạm Việt Long bày tỏ quan điểm,

Tiến sĩ Phạm Việt Long cũng cho biết thêm, cha mẹ phải giải thích cho con cái hiểu về giá trị của đồng tiền, cần tiêu tiền vào những việc phục vụ cho học tập hoặc những mục đích chính đáng.

Bên cạnh đó, người lớn cần dạy dỗ con cái phải biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm chứ không phải là phân bì, so đo.

Lì xì ngày Tết là một phong tục mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tốt đẹp đầu năm mới. Ảnh: Thanh Ngọc

Không chỉ trong quy mô gia đình, rộng ra ngoài xã hội, mỗi người cũng cần phải có nhận thức đúng đắn về bao lì xì.

Cũng như việc biếu quà Tết, nhiều người cũng lợi dụng việc lì xì để thực hiện những hành vi xấu. Chính vì thế mà cần có những phương án, cách thức để xử lý nghiêm minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn