MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trọng dụng trí thức, nhân tài để người dân hạnh phúc hơn. Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Hạnh phúc trong Ngày hạnh phúc

Minh Anh LDO | 20/03/2024 09:15

Xé tờ lịch hôm nay, sẽ nhiều người bất ngờ khi tháng 3 này có một ngày khá đặc biệt: Ngày hạnh phúc.

Tháng 6.2012, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố chọn ngày 20.3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26.12.2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 hằng năm”.

Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3).

Tròn 10 năm trước, lần đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”.

Năm ngoái, báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 được công bố, đánh dấu tròn 1 thập kỷ Liên Hợp Quốc thực hiện sáng kiến thúc đẩy hạnh phúc quốc gia. Trong báo cáo lần này, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Đây được cho là nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện đời sống người dân.

Trong bản tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người. Nhưng làm thế nào để cảm thấy hạnh phúc lại xuất phát từ mỗi con người. Các chuyên gia chỉ ra rằng: Nếu bạn đang cố gắng để hạnh phúc thì thật sự bạn chưa phải là người hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc là một thái độ sống được bạn lựa chọn và thực hiện mỗi ngày chứ không phải đích đến hay kết quả.

Hạnh phúc là biết yêu những điều giản dị. Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc khi mua một món đồ mới, đổi xe, thăng chức, lên lương… nhưng liệu bạn có cảm nhận được niềm vui trong suốt chặng đường dài để đạt được điều mình mong muốn đó không?

Hạnh phúc là sẵn sàng tạo và chia sẻ niềm vui. Đón nhận thử thách một cách tích cực. Biết cách cân bằng công việc và cuộc sống…

Cùng nhau chung sức đồng lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới các khu vực vùng đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách, dễ bị tổn thương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn