MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hãy để chuyện lì xì Tết là tập tục đẹp chứ không phải gánh nặng kinh tế

DI PY LDO | 05/01/2023 08:48

Phát ngôn mới đây của đạo diễn Lê Hoàng về việc "lì xì ngày tết là một món nợ" đã trở thành đề tài tranh luận trên mạng xã hội. Với những người đi làm, người có gia đình và con trẻ, tập tục này phải chăng là một áp lực với họ?

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc trong Tết Nguyên đán. Mặc dù cách đón Tết nay và Tết xưa đã có ít nhiều thay đổi, song tục lệ này vẫn luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.

Tuy nhiên, với xã hội ngày một phát triển, việc lì xì bao nhiêu, giá trị thế nào bỗng trở thành một nỗi lo của rất nhiều người. Đã có không ít người cảm thán rằng "đi làm cả năm không đủ tiêu Tết, lì xì dịp Tết nên không muốn về quê". 

Lì xì có phải món nợ? Ảnh: Ngọc Quyên.

Từ câu chuyện phát ngôn của đạo diễn Lê Hoàng, nhiều người đi làm cũng đã có những chia sẻ, quan điểm về việc này.

Áp lực phải lì xì bao nhiêu

Anh Hoàng Vũ, (37 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TPHCM), cho rằng: "Lì xì bây giờ đã khác trước, ngày trước khi tôi còn bé, tôi thấy mọi người ở quê chỉ lì xì lấy hên, lì xì để cầu chúc may mắn nhưng những năm gần đây, tiền lì xì dường như trở thành một thước đo để "khẳng định độ chịu chi, độ chơi xộp của nhiều người". Cứ mỗi dịp Tết đến, tôi đều suy nghĩ năm nay lì xì thế nào cho hợp lý, điều đó đôi khi trở thành áp lực vô hình, khiến tôi và nhiều người sợ Tết".

Theo anh Hoàng Vũ, ngày Tết, anh thường tốn 2-3 tháng lương chi cho việc lì xì. Chính vì thế, có những dịp cận Tết, anh đã đắn đo suy nghĩ mới về thăm quê. 

Cũng có những trường hợp vợ chồng trẻ cho biết, việc lì xì đôi khi khiến họ tranh cãi vì "lì xì cho ai nhiều hơn, ai ít hơn". Chính điều đó, vô hình tạo nên những điều không hay ho trong dịp Tết.

Chị Hoàng Kim (28 tuổi, ngụ Quận Gò Vấp, TPHCM) trải lòng: "Tôi ra trường được 6 năm nay, tuy nhiên công việc văn phòng không mấy khá giả. Với mức lương mỗi tháng 7 triệu đồng, mỗi dịp Tết, tôi đều sắm sửa Tết. Tôi và ông xã kết hôn được hai năm, cả hai đều còn trẻ nên lương bổng cũng không cao. Chính vì thế, hai năm qua mỗi khi về quê đón Tết, nghĩ đến việc lì xì thế nào, bao nhiêu, đôi khi chúng tôi lại có những tranh cãi".

Tuy nhiên, bên cạnh luồng quan điểm cho rằng lì xì là một "món nợ" dịp Tết thì không ít người nghĩ thoáng hơn. 

Chị Ngọc Anh - chia sẻ về quan niệm lì xì dịp Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hãy để lì xì là tập tục đẹp

Chị Ngọc Anh (31 tuổi, ở Quảng Nam) cho biết với chị lì xì là tự nguyện chứ không phải bắt buộc.

Chị chia sẻ: "Tôi thấy lì xì là nét văn hóa dịp Tết đến xuân về và có tự bao đời nay. Tôi không cho rằng đây là một áp lực. Có ít tôi sẽ lì xì ít, còn nhiều thì có thể lì xì thêm cho các cháu một chút.  Sau khi lì xì xong, tôi luôn bảo các cháu hãy chúc lại cô và gia đình một điều gì đó để cầu may mắn cho năm mới. Điều đó, tập cho các cháu thói quen tốt và cũng cho các cháu hiểu rằng lì xì là cho đi một lời chúc may mắn, không phải mang nặng giá trị vật chất.

Đồng quan điểm với chị Ngọc Anh, chị Hoàng Linh (33 tuổi, quê Khánh Hòa) cho rằng: "Ngày Tết, lì xì cho con cháu như là một hành động để động viên cháu con học giỏi, lì xì cho cha mẹ, ông bà như một cách để chúc năm mới sức khỏe. Đừng biến việc việc lì xì trở nên bài toán kinh tế áp lực rồi lại không vui vẻ ngày Tết".

Chị Hoàng Linh cho rằng lì xì là lấy lộc, không phải gánh nặng kinh tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Lao Động, tiến sĩ văn hóa Hoàng Long cho biết, bản thân ông thấy chuyện lì xì được một bộ phận người đẩy lên quá mức. Họ coi đây như một dịp để tri ân, phô diễn kinh tế của mỗi người nên vô hình trở thành một nét văn hóa không tốt dịp Tết.

"Phải nói rằng có rất nhiều người đã hiểu sai về câu chuyện lì xì dịp Tết. Họ cho rằng việc lì xì giá trị càng cao thì mới chứng tỏ được sự giàu có, tài chính mạnh của mình. Điều đó, vô hình tạo nên suy nghĩ của người trẻ lì xì là "cách kiếm tiền Tết". Từ đó, hình thành nên ý thức của con trẻ về việc so đo, so sánh tiền lì xì nhận được. Đây là cách suy nghĩ chưa tốt mà các bậc phụ huynh nên lưu tâm" - tiến sĩ chia sẻ.

Theo tiến sĩ, để bài trừ đi việc cân đo đong đếm chuyện lì xì bao nhiêu thì: "Ngay từ chính những người lớn, làm cha mẹ, hãy dạy con việc lì xì chỉ là lộc may mắn, không được đặt nặng chuyện giá trị của mỗi bao lì xì. Và chính những người lớn cũng cần nhận thức rõ ý nghĩa của chuyện lì xì.

Tùy vào khả năng, tùy vào tài chính mỗi người mà chọn những bao lì xì cho hợp lý. Và nếu thay vì lì xì bằng tiền mặt, tại sao lại không chọn tặng quà Tết cho nhau, đó cũng là cách tốt để chúng ta khỏi bận lòng về giá trị đằng sau mỗi chiếc bao lì xì. Hãy để chuyện lì xì dịp Tết là tập tục đẹp chứ không phải gánh nặng, áp lực kinh tế cho mọi người".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn