MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa tiệc tất niên mang ý nghĩa gắn kết, vinh danh những nhân viên xuất sắc làm việc trong năm. Ảnh: Nguyễn Liên.

Khi tiệc tất niên trở thành nỗi ác mộng của nhiều người

Hải Ngọc LDO | 14/01/2023 18:00

Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc dân công sở bận bịu với những cuộc hẹn tất niên cuối năm.

Tất niên kéo dài

Bữa tiệc tất niên cuối năm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam. Tất niên được hiểu đơn giản là kết thúc một năm. Vì thế, trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán, khi thời điểm năm mới đang tới gần, ai cũng tham gia các bữa tiệc tất niên tại nhà, với bạn bè, tại công ty/cơ quan.

Vậy tiệc tất niên chính là bữa tiệc được tổ chức để cùng nhau tạm biệt năm cũ, tạm biệt những điều không vui, những nỗi buồn, để chào đón năm mới với tinh thần hứng khởi.

Tuy nhiên, tất niên cũng là cái "cớ" cho những người thích tụ tập, nhậu nhẹt. Từ đó, hết cuộc vui này đến cuộc vui khác, các cuộc vui kéo dài không ngừng nghỉ khiến không ít người cảm thấy ám ảnh.

Là nhân viên pháp lý cho một công ty Luật ở Hà Nội, Thành Vinh (29 tuổi) có không ít các mối quan hệ. Vì thế, những ngày gần đây, anh đi dự tiệc tất niên liên tiếp. Hơn 1 tuần nay, anh không ăn cơm nhà. Điều này khiến vợ anh tỏ ra khó chịu. Tuy nhiên, anh Vinh không thể từ chối được vì cả năm mới có 1 dịp tất niên.

Chưa kể việc phải uống rượu  khi đi tất niên, hầu như đêm nào về nhà anh cũng trong tình trạng say khướt. Anh Vinh chia sẻ, nhiều lúc quá mệt mỏi, muốn về nhà nghỉ ngơi nhưng hết hội nhóm này gọi đến hội nhóm khác gọi, anh không từ chối được. "Chỉ cần nghĩ đến việc còn hơn chục cuộc tất niên khác thôi, cũng đủ sợ rồi" - Thành Vinh chia sẻ.

Khác với trường hợp của anh Vinh, chị Mỹ Lan (35 tuổi, Hà Nội) lại ám ảnh với việc tất niên của chồng. Vì nhiều mối quan hệ nên anh liên tục mời bạn bè, anh em về nhà tổ chức tất niên. Từ đầu tháng 12 Âm lịch đến giờ, chị phải phục vụ các mối quan hệ của anh không biết bao nhiêu lần. Việc này vừa tốn kém kinh tế lại khiến chị Lan thêm bận rộn.

"Đi làm về còn con cái và bao nhiêu việc mà giờ lại còn đi phục vụ tiệc tất niên của chồng. Tần suất dày đặc như thế này, thực sự khiến tôi mệt mỏi" - chị Mỹ Lan chia sẻ.

Tiệc tất niên đãi người lao động tại một khu trọ tại TPHCM. Ảnh cắt từ video

Ác mộng tiệc tất niên

Anh Nguyễn Duy Anh - một người dân đang sống trên địa bàn thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam chia sẻ:

"Khu phố của tôi ở có nhiều các công ty tư nhân đang hoạt động nên cuối năm họ tổ chức tiệc tất niên liên tục ở không gian bên ngoài. Vì thế, những người dân chúng tôi phải chịu đựng những tiếng ồn ào, dô hò, rượu bia chúc tụng. Chưa kể đến việc họ xả rác ra môi trường, những bãi nôn oẹ do say rượu, đổ bia lênh láng ra đường".

Bà An Nhâm (70 tuổi, Thái Bình) chia sẻ, ở khu phố của bà sống liên tiếp phải chịu những tiếng ồn từ những gia đình tổ chức tất. Bởi khi mọi người đã có men rượu bia vào càng nhiều thì nhu cầu hát hò cũng tăng lên gấp bội.

Những tiếng hát không rõ lời, mà đúng hơn đó là những tiếng la hét trong âm thanh cực khủng, rung chuyển cả nhà, cả đất, đã trở thành nỗi sợ khủng khiếp cho không chỉ bà Nhâm mà còn cả những người qua lại. 

"Những ngày này, tôi và những gia đình hàng xóm xung quanh phải chịu trận những tiếng âm thanh từ các dàn loa đài đang được mở hết công suất suốt nhiều tiếng đồng hồ mà chỉ biết nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm.

Có lẽ, niềm vui khi Tết đến Xuân về sẽ trọn vẹn hơn khi ai ai cũng đều an toàn, hạnh phúc, khu phố, khu dân cư an yên và không phải nghe những âm thanh đau đầu hay chứng kiến những cảnh nôn ói ra đường" - bà An Nhâm chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn