MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm gì để hoá giải mâu thuẫn giữa bố vợ và con rể?

Hương Lê LDO | 13/11/2022 07:00

Không ít trường hợp, chàng rể không có được cảm tình từ bố vợ gây ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. 

Người xưa có câu “dâu con, rể khách” ý muốn nói đến sự ưu ái của bố mẹ vợ dành cho con rể, nhưng thực tế không ít gia đình nhà vợ không thích con rể. Đặc biệt là trường hợp bố vợ và con rể thì nên làm thế nào khi cả hai đều nóng tính, ngang ngạnh, không hợp nhau?

Chị Nguyễn Lan Anh (35 tuổi, Vĩnh Phúc): Chủ động là sợi dây kết nối, chia sẻ giữa bố ruột và chồng.

Thực ra bản thân mình chưa gặp vấn đề này bao giờ, nhưng nếu ở trong trường hợp này, mình sẽ chọn là sợi dây kết nối, chia sẻ giữa bố ruột và chồng.

Trước tiên mình cần giải thích cho chồng rằng tính bố vợ hơi nóng và ngang ngạnh vậy thôi chứ ông thực chất thương con thương cháu. 

Khuyên chồng nên nghĩ thoáng một chút, bao dung một chút bởi bố vợ là người đã sinh thành dưỡng dục mình để rồi mình trở thành người phụ nữ của anh. Nếu bố có khắt khe, khó tính đó cũng chỉ là thử thách, để chồng hiểu và không giận bố mình, không phản ứng mạnh trước ông. 

Ngược lại thì mình cũng cần giải thích và tâm sự lại với bố ruột rằng chồng con giống bố cũng nóng tính, ngang ngạnh, nhưng anh ý là người chồng mẫu mực, yêu vợ, thương con để bố thấu hiểu được chồng mình thêm và sẽ có những cách cư xử nhẹ nhàng hơn khi gặp nhau.

Chị Phùng Ngọc Lan (25 tuổi, Nam Định): Một bên chữ hiếu, một bên chữ tình, tốt nhất trong mọi trường hợp không nên nghiêng về phe nào.

Là người đứng giữa khi thấy bố vợ và con rể không hợp nhau, tôi nghĩ nhiều cô vợ thường mắc sai lầm là nhất bên trọng nhất bên khinh, thường ngả về 1 bên và làm tổn thương người còn lại.

Đến khi mâu thuẫn không thể giải quyết, họ lại đổ cho số phận mà không biết rằng trong đó lỗi rất lớn thuộc về phần mình.

Khi bố vợ và con rể xích mích, người vợ tuyệt đối không nghiêng về bên nào. Ảnh: ST 

Tôi nghĩ rằng trong tình huống này, người vợ không nên đứng hẳn về phía ai, chỉ nên trung lập bởi vì, cho dù có khác biệt nhau đến thế nào thì chồng và bố mình đều có một mối quan tâm chung là: hạnh phúc của con và gia đình con. Nếu khéo léo, hãy giúp cho bố và chồng hiểu ra đó mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải là cái tôi cao ngất mà họ đang cố xây nên.

Là một người vợ, người con trong gia đình có bố vợ và con rể không hợp nhau, hãy luôn bình tĩnh, bao dung, tử tế và tỉnh táo để giúp gia đình mình vững vàng trong giông bão.

Chị Phan Ngọc Ánh (38 tuổi, Hà Nội): Tuyệt đối không chỉ ra ai sai và hạn chế gặp nhau

Theo tôi khi bố ruột và chồng có mâu thuẫn dẫn đến không hợp nhau thì khi này chỉ còn người vợ đứng giữa là để phân xử. Tuy nhiên người vợ tuyệt đối không được chỉ ra ai sai ai đúng.

Trong tâm lý của bố ruột và chồng lúc ấy, gọi mình ra phân xử không phải để có một đáp án chính xác mà là muốn xem bạn đứng về phía ai. Lúc này nói ai sai cũng không được, tốt nhất là không nói.

Bên cạnh đó tôi cũng sẽ hạn chế để bố mình và chồng gặp nhau, chỉ những ngày quan trọng mới dẫn chồng theo, còn bình thường thì chỉ mình tôi đi. Bởi không ai chịu ai thì chỉ còn nước hạn chế gặp nhau là sẽ tránh được xích mích.

Khi gặp nhau, hãy cố gắng tìm ra điểm chung giữa hai người, khiến họ quên đi xích mích nội bộ mà cùng nhau đối phó chuyện bên ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn