MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng hành cùng con nhưng cũng không gây áp lực cho con cái khi kết quả thi chưa như ý muốn. Ảnh: Hải Nguyễn

Làm gì khi con thi... trượt

Mai Hoàng LDO | 01/07/2024 07:30

Mùa thi tốt nghiệp THPT năm nay đã kết thúc mang theo nhiều hy vọng về tương lai tươi sáng với cánh cổng trường đại học rộng mở. Thế nhưng đi cùng với đó cũng sẽ là không ít nỗi buồn khi kết quả thi của con cái không được như kỳ vọng.

Báo Lao Động đã từng có nhiều bài viết mô tả những kỳ thi (thi đầu vào và thi tốt nghiệp THPT) ở Việt Nam không khác gì một cuộc chiến về tâm lý của phụ huynh và những thí sinh.

“Áp lực, căng thẳng, hồi hộp đến nghẹt thở. Đó là tất cả những gì đọng lại trong ký ức tôi khi nhắc đến cuộc chiến giành tấm vé vào trường THPT công lập của con trai - cuộc chiến mà tôi luôn đồng hành cùng con trong suốt 1 năm qua dù là bước đi nhỏ nhất”. Và rồi “Đi thi cùng con không chỉ có tôi - bố cháu, mà cả nhà, cả ông cả bà đã “chạy marathon” cùng cháu ít nhất nửa năm nay rồi. Những lo lắng về một kỳ thi THPT đã đeo đẳng từ 3 năm trước, khi con bước chân vào trường “cấp ba”.

Đó mới chỉ là phần khởi đầu. Ngay sau kỳ thi năm nay, đã có bậc phụ huynh chia sẻ trên mạng thế này: “Con em trượt cả hai nguyện vọng rồi. Em buồn chán không nói với con câu nào vì bao nhiêu sự thất vọng, tuyệt vọng em đang trải qua. Nó vốn là học sinh giỏi, thi thử chưa bao giờ dưới 40 điểm. Em thật sự sốc. Cảm giác của em lúc này chỉ muốn trốn chạy, muốn bỏ mặc tất cả để không đối diện với sự thật này”.

Rất nhiều bình luận sau đó phản đối tâm lý tiêu cực của phụ huynh này. “Bố mẹ mà như vậy thì con sẽ sao đây?”; “Làm sao con có đủ dũng khí để làm lại”…

Các chuyên gia tâm lý đưa ra một loạt lời khuyên đối với các bậc phụ huynh khi kết quả của con không được như ý. Đó là hãy động viên và an ủi, lắng nghe và chia sẻ cảm xúc của con. Động viên con rằng thi trượt không phải là dấu chấm hết.

Nhiều người thành công vẫn từng gặp thất bại; Đừng trách mắng hay chỉ trích con, vì điều này chỉ làm tăng thêm áp lực và lo lắng cho con; Khuyến khích con nhận ra những điểm mạnh và giá trị của bản thân, không chỉ dựa vào kết quả thi cử; Cùng con xem xét lại các lựa chọn khác như thi lại, học các chương trình nghề nghiệp, học tại các trường cao đẳng hoặc đại học khác, hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn; Nếu cần, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn tâm lý, gia sư hoặc các trung tâm hỗ trợ học tập để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này; Khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, hoặc các hoạt động xã hội để giảm bớt căng thẳng và phát triển toàn diện. Và cuối cùng: Hãy kiên nhẫn và tin tưởng vào khả năng của con. Mỗi người đều có con đường riêng để đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

Để thực hiện lời khuyên đó thật không hề dễ dàng nhưng là điều cần làm, vì tương lai của con trẻ. Tôi cứ nhớ mãi lời kết của một phóng sự trên Lao Động với tiêu đề “Đi thi cùng con”. Tác giả viết: “Con nhớ rằng, có hàng trăm lựa chọn, hàng nghìn cơ hội cho con vào đời, bất kể kết quả kỳ thi này thế nào!”.

Quả là như vậy, bất kể kết quả kỳ thi này thế nào thì vẫn còn hàng trăm lựa chọn, hàng nghìn cơ hội để vào đời và thành công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn