MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những con số biết nói về nạn bạo lực học đường

Hương Lê LDO | 21/04/2023 12:00

Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nóng, nhức nhối, hiện đang có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa.

Những con số biết nói

Theo Liên Hợp Quốc, ước tính rằng mỗi năm có 246 triệu bé gái và bé trai bị bạo lực trong và xung quanh trường học.

Theo một cuộc khảo sát do Tổ chức Phòng chống Bạo lực Thanh niên thực hiện trên 4.073 học sinh của 64 trường học ở Hàn Quốc, bao gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, 22% học sinh trả lời rằng mình từng là nạn nhân của bạo lực, trong khi 16% những học sinh này trả lời rằng các em phải chịu đựng những cơn đau chết người.

Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học.

Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30.

Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Hàng loạt vụ việc vừa xảy ra gây chấn động dư luận, tối 15.4 tại nhà riêng, nữ sinh N.T.Y.N. (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, thuộc Đại học Vinh) tự tử vì không thể chịu đựng được bạo lực học đường.

Ngày 21.10.2022, tại Trường THCS Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội), em H.X.Q bị bạn tụt quần ba lần trong một buổi học dẫn đến xấu hổ, uất ức rồi nhảy lầu, gây chấn thương nặng.

Không chỉ dừng lại ở bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất mà còn có nhiều vụ bạo lực vật chất xảy ra như ngày 20.2.2014, L.T.N (lớp 8 Trường THCS Thăng Long, quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã đe dọa Đ.T.T (lớp 7, Trường THCS Lê Lợi, quận 3, TP Hồ Chí Minh) nếu không đưa tiền sẽ chặt đứt cánh tay, gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ.

Ba vụ việc với ba tính chất, ba thời điểm khác nhau, nhưng cả ba đều gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực học đường.

Đại diện trường Đại học Vinh thông tin với báo chí về vụ một nữ sinh của trường tự tử. Ảnh: Hải Đăng 

Theo CDC, bạo lực học đường có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng, khó ngủ, thành tích học tập thấp và bỏ học. Bạo lực học đường khiến cho thanh thiếu niên bắt nạt người khác và bản thân người bị bắt nạt phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng và có nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm thần cao hơn.

Giáo sư Michael Males - Đại học California (Santa Cruz) cho biết hầu hết các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu giáo dục,… đều đồng ý rằng bạo lực học đường phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau như tác động của môi trường học, cộng đồng và gia đình,…

Giáo sư chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường trước hết có thể bắt nguồn từ thái độ và hành vi của trẻ em. Đây là lứa tuổi nổi loạn, dễ suy nghĩ nông nổi mà có những hành động bạo lực nhằm thể hiện bản thân.

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường còn đến từ phía gia đình, “Có nhiều trẻ em phải lớn lên trong gia đình có cha mẹ sử dụng ma túy, bị bắt, vào tù, thường xuyên sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, điều này gây ảnh hưởng tới tâm lí của trẻ rằng cứ dùng bạo lực là vấn đề sẽ được giải quyết”, giáo sư nói.

Cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhà trường, phụ huynh và xã hội

Theo Tiến sĩ Dorothy Espelage - Giáo sư tâm lí giáo dục tại Đại học Illinois, Urbana-Champaign (Chicago) - Phó Tổng biên tập của Tạp chí Tâm lí Tư vấn cho biết nhà trường, phụ huynh, xã hội cần phối hợp thì mới có thể làm giảm bạo lực và cải thiện môi trường học đường.

Tiến sĩ Dorothy Espelage cho biết con trẻ thường dành nhiều thời gian ở trường hơn là ở nhà. Vì vậy, trường học đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra môi trường học đường tích cực.

Không chỉ là nơi dạy kiến thức, trường học còn phải là nơi giáo dục đạo đức, tích cực đẩy mạnh phong trào ngoại khóa qua việc thành lập các câu lạc bộ như dance, art, guitar,... tạo điều kiện cho học sinh thể hiện mình theo nhiều khía cạnh tốt hơn chứ không phải dùng bạo lực để thể hiện.

Hơn hết nhà trường cũng cần có những biện pháp cứng rắn đối với những trường hợp học sinh cá biệt để giúp cho các em sớm tỉnh ngộ và có nhận thức đúng đắn về giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn