MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những món ngon đặc trưng xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam

LÂM ANH LDO | 31/01/2022 12:00

Trong mỗi ngày Tết cổ truyền chúng ta đều có những mâm cỗ để thờ cúng và nhớ ơn tổ tiên. Bánh tét, thịt kho nước dừa, canh khổ qua nhồi thịt... là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam.

Bánh tét

Trong ngày Tết miền Bắc có bánh chưng xanh là đặc trưng, còn đối với người miền Nam thì có đặc trưng là bánh tét. Bánh tét được gói bằng lá chuối kèm dây lạc quấn xung quanh. Bên trong lớp vỏ bánh tét làm từ gạo nếp là phần nhân từ đậu xanh, thịt heo, đậu đen… tùy thuộc vào mỗi loại bánh.

 Bánh tét luôn có mặt trong mâm cỗ Tết của người miền Nam. Ảnh: KL.

Bánh tét có nhiều loại khác nhau như bánh tét nhân chay hoặc nhân mặn, bánh tét lá dứa, bánh tét lá cẩm, bánh tét gấc... Sau khi luộc chín, người ta đem bánh ra cắt thành từng lát để thưởng thức cùng củ kiệu chua hoặc dưa món để tăng thêm hương vị. Để bánh tét ăn ngon hơn, người miền Nam thường ăn cùng thịt kho tàu, dưa cải, củ kiệu nó sẽ tạo ra sự hòa quyện đặc trưng.

Củ kiệu tôm khô 

Một trong những món được ưa thích nhất của các gia đình người miền Nam phải nói là củ kiệu. Nếu như miền Bắc mâm cỗ ngày Tết đặc trưng bởi món dưa hành ăn với bánh chưng thì ở miền Nam thay vào đó là món củ kiệu tôm khô.

Đây là món ăn tuy bình dị nhưng cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam, nó không chỉ được ăn kèm với bánh tét ngày Tết mà còn được xem là món dưa cay thượng hạng cho những người nhậu ngày Tết.

Thịt kho

Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền nam đó là thịt kho nước dừa hoặc thịt kho hột vịt. Món ăn gồm những nguyên liệu quen thuộc và đòi hỏi sự tỉ mỉ trong quá trình chuẩn bị và nêm nếm sao cho nước dùng ngon đậm đà và có màu vàng nâu hấp dẫn. 

Thịt kho là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền nam. Ảnh: KL.

Nguyên liệu để làm nên món thịt kho gồm có: Thịt ba rọi (thịt ba chỉ theo cách gọi của người miền Bắc) được thái miếng to tầm khoảng 3 ngón tay, thịt được ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành tỏi, ớt. Sau khi nấu thịt sôi với nước dừa xiêm thì mới cho trứng đã luộc chín vào, sau đó ninh cho đến khi thịt mềm, nước trong nồi có màu cánh gián là được.

Canh khổ qua

Đối với người miền Nam, canh khổ dồn thịt qua mang ý nghĩa cầu mong khó khăn đi qua để đón điều thuận lợi may mắn và tươi sáng cho một năm mới đến. Món canh khổ qua được nấu từ những nguyên liệu chính là: Khổ qua tươi, thịt băm, xương hầm. Món ăn này tuy có vị hơi đắng nhưng lại có công dụng tốt cho sức khoẻ, nhất là trong dịp Tết. 

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn phổ biến của của người miền Nam, thường là tự làm vào ngày Tết để ăn hoặc đãi khách đến chơi như một món quà đầu năm đầy ý nghĩa.

Lạp xưởng trong miền Nam có nhiều loại: lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá,… rất dễ kết hợp với món ăn khác trong mâm cỗ ngày Tết tạo ra một món ăn hoàn toàn mới nhưng vẫn mang hương vị đặc trưng của lạp xưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn