MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Sinh con xong nhất định phải về ngoại!

Tuệ Thiên LDO | 18/09/2019 12:19

Tôi thậm chí không thể nào ngủ, cứ nghe tiếng trẻ con khóc là lại vùng dậy rón rén sang phòng ấp đèn của con, nhìn con qua cửa kính với dây dợ chằng chịt rồi lại khóc.

Hai mươi tuổi tôi làm mẹ. Lần đầu tiên được nhìn thấy con tôi đã khóc rất nhiều nhưng là khóc với cảm giác lâng lâng hạnh phúc đến tột cùng. Nhưng niềm vui chẳng tày gang khi bác sĩ thông báo con bị vàng da bệnh lý, cả tôi và chồng tôi đều hoang mang và sợ hãi khủng khiếp. 

Mẹ tôi xót con, xót cháu nên cũng khóc theo. Chỉ đến khi bác sĩ nói rằng con tôi bị nhẹ, đang có dấu hiệu tiến triển tốt, hai ba hôm nữa là khỏi. Lúc bấy giờ tôi mới nhẹ nhõm và cố nuốt được bát cháo để có sữa cho con, ai đời đẻ 4 ngày rồi mà chưa thấy sữa về. 

Những ngày tháng mệt mỏi, căng thẳng ở bệnh viện qua đi, một ngày cuối thu mát mẻ trời se se lạnh chúng tôi được đưa con về nhà. Nhìn bé con đáng yêu nằm trong tay, thi thoảng lại mỉm cười thánh thiện mà lòng tôi cuộn dâng bao hạnh phúc, mãn nguyện. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ chăm sóc con thật tốt. 

Cũng chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng tôi không thể ngờ thực tế việc chăm sóc một đứa trẻ lại khó khăn, vất vả đến thế. Chồng tôi làm công ty nên anh không thể nghỉ lâu, bố mẹ chồng tôi còn khỏe mạnh nên họ cũng đi làm chứ không có thời gian để giúp đỡ tôi. Mẹ tôi thì già yếu, không biết đi xe máy, nhà lại xa. 

Mấy ngày đầu, mẹ cứ lóc cóc cái xe đạp, đạp gần 10 cây số, sang được với con với cháu thì ngồi thở hổn hển, bóp chân bóp vai. Lúc ấy nhìn mẹ mà tôi rớm nước mắt nhưng cố ngoảnh mặt đi che giấu. Mẹ nấu cơm cho tôi, giặt quần áo cho cháu, quét sân quét nhà, gấp đồ cho cháu gọn gàng.

Xế chiều mẹ lại lóc cóc đạp xe về còn lo cơm cháo cho vợ chồng anh trai đi làm. Tiễn chân mẹ ra ngõ mà lòng tôi cứ thắt lại, đúng là có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ

Con được nửa tháng, vết thương của tôi cũng lành lại. Tôi thấy mình khỏe và có thể tự làm mọi việc nên nhất quyết bảo mẹ ở nhà, tuần sang chơi với cháu một lần thôi. Thực lòng thấy mẹ tôi vất vả, ra đường run rẩy như thế tôi không an tâm, lỡ mẹ có bề gì thì tôi biết sống thế nào. Dù không muốn nhưng dưới sự quả quyết của tôi, mẹ cũng đành đồng ý. 

Những tháng ngày vất vả, tủi cực của tôi chính thức bắt đầu. Sáng dậy sớm tranh thủ lúc chồng còn ngủ cạnh con để giặt giũ phơi phóng, còn thời gian thì chạy đi mua chút đồ ăn về trưa nấu cơm. Con tôi bện hơi mẹ nên ưa bế, đặt xuống giường là nó lại ọ ẹ hoặc khóc ré lên.

Nhiều đêm tôi cứ bế con ngồi chong chong đến gần sáng mới dám nhờ chồng một chút để ngả lưng. Tôi biết chồng mình cũng đi làm vất vả nên không dám dựa dẫm anh nhiều. 

Bố mẹ chồng tôi thì ngày đi làm phụ hồ, tối về xuống ngó cháu một chút rồi lại mau chóng đi nấu cơm ăn còn nghỉ ngơi mai lại đi làm. Hai nhà sát vách nhau mà lắm hôm cháu khóc ngằn ngặt ông bà cũng chẳng để ý. Nhiều khi thấy tủi thân lắm nhưng tôi không dám càm ràm sợ chồng bực bội, nhà mất vui. 

Lắm hôm hai vợ chồng mệt quá ngủ quên không kịp mua đồ ăn là trưa hôm đó tôi phải ăn tạm mì tôm chờ chồng đến tối. Gái đẻ mà nhìn tôi xanh xao vàng vọt, con không đủ sữa nên càng quấy khóc suốt ngày đêm. 

Mẹ tôi sang thăm, thấy hai mẹ con như vậy thì bảo tôi đánh tiếng với chồng xin phép ông bà nội để sang bên đó mẹ chăm sóc cho. Chồng tôi thương vợ, thương con nên cũng làm theo nhưng không ngờ bố mẹ chồng lại không đồng ý với lý do cháu còn nhỏ không nên cho ra ngoài. 

Thâm tâm tôi biết họ không phải lo cháu còn nhỏ mà là lo họ hàng, xóm làng dị nghị khi con dâu đẻ chưa đầy tháng đã về ngoại thì mất thể diện quá. Ngậm đắng nuốt cay tôi đành tiếp tục những tháng ngày ở cữ trong nước mắt. 

Rồi một hôm, không hiểu vì lý do gì mà con tôi tự nhiên khóc ngằn ngặt đến nỗi tím đen người đi. Tôi ôm con vừa khóc vừa chạy sang hàng xóm nhờ người ta giúp, cũng may là con bé nín và hồng hào trở lại.

Tôi ngồi thụp xuống nền nhà họ khóc rưng rức, tức tưởi. Họ nhìn tôi ái ngại rồi bảo: "Sao cháu không về ngoại, một thân một mình thế này lỡ con nó làm sao thì chết. Ai đời ông bà gì mà vô tâm, vô trách nhiệm thế".

Nghe họ nói tôi như chợt tỉnh ngộ. Đúng rồi, họ có thương mình đâu, có lo cho mẹ con mình đâu. Mình thì không sao nhưng còn con mình, phải thương lấy nó. Nghĩ rồi tôi bế con về nhà, lấy điện thoại gọi taxi và thu dọn đồ để sang mẹ. Trước khi đi tôi gọi điện cho chồng, khóc với anh trong điện thoại :

"Con bị làm sao ấy, nó khóc mãi không nín, người tím tái lại rồi, em đưa con sang mẹ nhờ mọi người giúp".

Chồng tôi rất lo lắng nên đồng ý ngay. 

Taxi đỗ ở cổng nhà mẹ, bà hớt hải chạy ra bế cháu, chị dâu tôi thì lỉnh kỉnh khuân vác đồ đạc. Tôi đi thẳng vào phòng, nằm dài khóc một hơi trong sự tủi hờn, ai cũng hiểu nên chỉ lặng lẽ bế con cho tôi ngủ. Gần trưa tôi tỉnh dậy, thấy mẹ đang bế cháu, chị dâu nấu mâm cơm thịnh soạn với thịt kho nghệ, móng giò nấu bí và trứng gà rim mắm thơm phức.

Đầu óc tôi thanh thản, nhẹ bẫng cảm giác yên tâm, vui vẻ trở lại. Mặc kệ gia đình chồng tỏ ra hậm hực không hài lòng, tôi đã ở lại bên mẹ đến khi con tròn 2 tháng mới về. Trộm vía nhìn con bé kháu khỉnh, bụ bẫm hẳn lên.

Mọi thông tin, bài viết cộng tác của độc giả cho chuyên mục Gia đình-Hôn nhân có thể gửi cho chúng tôi theo địa chỉ: thucdonmaiamld@gmail.com.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn