MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân chọn về quê muộn để tránh kẹt xe và ăn Tết được cả ở nhà nội nhà ngoại. Ảnh: Mỹ Linh

Tết muộn nhưng đủ đầy tình thân bên nội, bên ngoại

THÙY TRANG LDO | 12/02/2024 13:55

Mùng 3 Tết Giáp Thìn, gia đình chị Đặng Thị Nhi (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) kéo vali cùng thùng quà ra bến xe. Sự háo hức hiện rõ trên gương mặt chị Nhi, bởi chỉ vài giờ đồng hồ nữa, cả nhà chị sẽ được đón Tết với nhà ngoại ở TP Huế. Tết này cả nhà vừa đón Tết với ông bà nội, vừa đón Tết với ông bà ngoại nên hai bên đều vui khi có con cháu ở bên.

Lấy chồng và định cư ở TP Đà Nẵng hơn 10 năm nay, chỉ trừ những năm con còn quá nhỏ thì gia đình chị Nhi đều đón Tết ở cả bên nội, bên ngoại.

“Gia đình tôi buôn bán tạp hóa, công việc cận Tết rất nhiều, năm nào cũng làm đến tối 30 Tết mới nghỉ nên việc về quê ngoại ăn Tết sớm là điều không thể. Ông bà ngoại cũng hiểu cho gia đình con gái. Tôi thường xin phép ba mẹ chồng về quê ngoại từ Mùng 3. Thời điểm này bến xe cũng vắng người, không có cảnh chen chúc nhau nên cả nhà đi cũng thong thả hơn” – chị Nhi cho hay.

Chia sẻ với con dâu cảnh phải lấy chồng xa, bà Nguyễn Thị Đào (mẹ chồng chị Nhi) ủng hộ gia đình con trai về quê ngoại ăn Tết. “Vợ chồng làm việc cả năm, con cái thì đi học nên cả năm chỉ có mấy ngày Tết là được rảnh rỗi. Tôi luôn động viên các con về thăm nhà ngoại.

Con cháu ở với mình cả năm rồi, ngày Tết gia đình tôi cũng chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi, chúc Tết người thân, bạn bè chứ không quan trọng bắt buộc phải có đủ mọi thành viên mỗi ngày. Các con, các cháu về quê những ngày này tôi cũng yên tâm bởi xe cộ, đường xá rộng thoáng” – bà Đào chia sẻ.

Đón Tết muộn cũng là cách gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lựa chọn. Hai vợ chồng có tiệm làm tóc, phục vụ khách đến tối 30 Tết nên 5 năm định cư ở Đà Nẵng, anh Hiếu đều xin phép gia đình nội ngoại về quê muộn.

Mùng 1 và 2, nhà anh Hiếu nghỉ ngơi, chúc Tết hàng xóm rồi mới chuẩn bị quần áo, quà cho gia đình hai bên. Đến mùng 3 thì có xe đến đón tận nơi đưa gia đình về quê ở Thái Bình.

Các nhà xe vẫn mở bán vé, phục vụ khách những ngày trong Tết. Ảnh: Thanh Niên

“Đặc điểm công việc của hai vợ chồng phải phục vụ khách vào dịp Tết nên ông bà hai bên nhà cũng thông cảm. Làm nghề tự do nên chúng tôi nghỉ Tết muộn hơn nhưng thong thả hơn so với nhiều gia đình. Các con được nghỉ học bao lâu thì nhà tôi cũng ở quê bấy lâu, chia ra một nửa ở nhà nội, một nửa thời gian qua nhà ngoại. Dù không giúp hai bên gia đình chuẩn bị Tết nhưng thấy có con cháu về dịp Tết là ông bà vui rồi” – anh Hiếu nói.

Cùng gia đình đón Tết muộn với ông bà, cô con gái của anh Hiếu có niềm vui khác là được ăn Tết ở nhiều nơi. “Cháu vừa được xem pháo hoa ở Đà Nẵng vừa được về thăm ông bà, kể cho ông bà nghe Tết ở nơi cháu ở, mọi người ai cũng thích” – lời chia sẻ ngây ngô với niềm vui con trẻ của con gái anh Hiếu khiến cả nhà bật cười.

Chia tay hai gia đình anh Hiếu, chị Nhi lên xe về quê. Tết này có thể đến muộn với nhiều gia đình nhưng quả thật, khi được sum vầy thì ngày nào cũng sẽ như ngày Tết chứ chẳng cần là sớm hay đúng giao thừa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn