MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chàng trai khuyết tật Vũ Đức Nguyên tham gia chương trình "Trạm yêu thương". Ảnh: VTV

Trạm yêu thương: Chuyện tình chàng thi sĩ

Thanh Hương LDO | 01/06/2023 11:54

Hành trình vươn lên của chàng trai khuyết tật Vũ Đức Nguyên sẽ được kể lại trong “Trạm yêu thương” mang chủ đề “Chuyện tình chàng thi sĩ”, phát sóng vào 10h ngày 3.6 trên kênh VTV1.

Sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, thế nhưng cuộc sống của Vũ Đức Nguyên (sinh năm 1990, Thanh Hoá) thay đổi hoàn toàn sau một cơn sốt nặng. Biến chứng nặng khiến đôi chân và đôi tay của Nguyên dần teo tóp, không thể cử động và cũng không thể đi lại.

Không chịu khuất phục số phận, chỉ với một ngón tay còn có thể cử động được, Nguyên bắt đầu tập gõ chữ và làm thơ. Một tâm hồn dạt dào thơ ca, lấy con chữ làm đôi chân không mỏi hoà nhập với cộng đồng, Vũ Đức Nguyên đã xuất bản hàng nghìn tập thơ, trở thành Đại biểu đặc biệt trong Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 năm 2022 tổ chức tại Đà Nẵng.

Nghị lực của nhà thơ Vũ Đức Nguyên khiến khán giả theo dõi chương trình không khỏi xúc động. Ảnh: VTV

Không những vậy, Nguyên còn tự tìm kiếm được hạnh phúc của cuộc đời mình và dùng những vần thơ truyền cảm hứng cho rất nhiều người có cùng cảnh ngộ.

Xuất hiện trong “Trạm yêu thương” trên chiếc xe lăn quen thuộc, Vũ Đức Nguyên tự tin giới thiệu về bản thân và gửi tặng chương trình một bài thơ do mình sáng tác. Nhà thơ 9X tâm sự rằng, “Thơ ca đã giúp tôi có thêm niềm tin, nghị lực và đặc biệt là giúp tôi hoà nhập với cộng đồng”. 

Kể về hoàn cảnh gắn liền với chiếc xe lăn, anh cho biết: “Khi sinh ra tôi hoàn toàn khoẻ mạnh, sau một cơn sốt nặng, bệnh bại liệt đã khiến chân tay teo tóp lại. Dù gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm”.

Sự xuất hiện bất ngờ của người mẹ đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về chàng thi sĩ khuyết tật yêu đời. Ảnh: VTV

Cuộc sống giờ đây phải gắn liền với chiếc xe lăn và giường bệnh khiến Đức Nguyên không khỏi chán nản và tuyệt vọng. Nhưng chính tình yêu thương của người mẹ đã giúp anh nghĩ lại. Bà Vũ Thị Huê nghỉ việc dạy học để ở nhà dành toàn bộ thời gian chăm sóc con trai. Thấy mẹ vất vả vì mình, kinh tế gia đình lại ngày càng kiệt quệ, Nguyên nghĩ mình cần phải làm gì đó để những hi sinh của mẹ không trở thành vô nghĩa.

Đối với Vũ Nguyên, mẹ như chính người thầy dạy mình biết cái chữ, là cánh tay, là đôi chân, là bác sĩ và là động lực, chỗ dựa tinh thần của cuộc đời anh.

Chàng trai trẻ tâm sự rằng: “Cuộc đời tôi nếu không có những vần thơ thì chắc sẽ chuyển sang một ngã rẽ khác. Thơ ca đã giúp tâm hồn tôi thêm lạc quan, yêu đời, không tự ti với số phận”.

Món quà của “Trạm yêu thương” sẽ phần nào san sẻ gánh nặng về kinh tế, tiếp thêm động lực cho anh trên hành trình đầy nhân văn ấy. Ảnh: VTV

Vũ Đức Nguyên chia sẻ, thơ của anh được viết bằng nỗi lòng, bằng trái tim khao khát, bằng nhiệt huyết trong con người mình. Tác phẩm của anh dần được nhiều người biết đến qua các trang thơ trên mạng, qua nhiều tờ báo và tạp chí như: “Chuyện tình chàng thi sĩ”, “Bài thơ cho em”, “Tình tương tư”, “Vở kịch đời”, “Vũ khúc đường thi”, “Thế nhân tình”…

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Đức Nguyên mong kinh tế vững vàng hơn để có thể chăm sóc cho mẹ, cho vợ con và tiếp tục theo đuổi đam mê thơ ca, truyền cảm hứng cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn