MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Phạm Thị Lý là khách mời của chương trình "Trạm yêu thương". Ảnh: VTV

Trạm yêu thương: Yêu thương những chuyến đò

Thanh Hương LDO | 16/02/2023 17:48

Gia cảnh nghèo khó, di chuyển khó khăn, động lực nào giúp cô giáo Phạm Thị Lý luôn nhiệt huyết và bền bỉ với công việc của mình? Câu trả lời sẽ có trong “Trạm yêu thương” mang chủ đề “Yêu thương những chuyến đò” phát sóng vào 10h ngày 18.2 trên kênh VTV1.

Bố mẹ mất sớm, bị liệt hai chân sau bạo bệnh, phải bỏ dở việc học giữa chừng, thế nhưng Phạm Thị Lý (sinh năm 1983, Hưng Yên) đã nỗ lực để trở thành cô giáo của hơn 100 em nhỏ. Dùng đôi tay thay đôi chân đến từng bàn học, nhiều năm qua, lớp học miễn phí của cô Lý luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương.

Từng đứng lớp với rất nhiều học sinh, nhưng Phạm Thị Lý không khỏi bối rối khi lần đầu xuất hiện tại chương trình “Trạm yêu thương”. Những câu hỏi trắc nghiệm nhanh từ chương trình không chỉ giúp cô tự tin và cởi mở hơn mà còn mang tới nhiều thông tin thú vị về cô giáo đặc biệt này.

Phạm Thị Lý tự nhận mình là một người cẩn thận nhưng có phần khó tính và nghiêm khắc. Chính điều đó đã giúp học sinh của cô nghiêm túc hơn trong mỗi giờ học. Nói là lớp học, nhưng thực chất nó chỉ rộng chừng 20m2, không bàn ghế khang trang, không bảng đen phấn trắng, không tiếng trống vào lớp. Thay vào đó là những chiếc bàn nhỏ xinh dành cho học sinh ngồi bệt xuống sàn nhà để học. 

Với Phạm Thị Lý, hai từ “cô giáo” rất thân thương và tự hào. Ảnh: VTV

Nói về công việc hiện tại, Phạm Thị Lý cho biết: “Trở thành cô giáo là ước mơ của tôi từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, những biến cố liên tiếp ập đến khiến hành trình theo đuổi đam mê gặp không ít khó khăn, sóng gió”.

Bố mất sớm, gia cảnh lại khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình đều đặt lên đôi vai của mẹ. “Thế nhưng, điểm tựa duy nhất của 3 anh em tôi đã không còn sau một tai nạn giao thông. Mẹ mất, tôi cũng không đậu vào ngôi trường mà mình mơ ước”. Nỗi buồn này chưa qua, nỗi đau khác lại tới, sự ra đi của mẹ đã khiến cả 3 anh em suy sụp tinh thần.

Thế nhưng, nỗi đau khổ chưa dừng lại. Sau khi mẹ mất, căn bệnh tim bẩm sinh của Phạm Thị Lý tái phát khiến cô phải nhập viện cấp cứu. Trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh, vì sức khỏe yếu, cộng thêm biến chứng sau ca mổ đã khiến đôi chân của cô Lý teo tóp và liệt hoàn toàn. Từ một người lành lặn, có thể tự do đi khắp nơi, giờ lại phải sống dựa vào một chiếc xe lăn khiến cho Lý không khỏi tủi thân và sống khép mình.

Sau những ngày vật lộn với những cơn đau do bệnh tật, Lý vùi mình bên sách vở bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Ban đầu, Phạm Thị Lý nhận dạy kèm cho các cháu là người quen trong làng. Sau một thời gian thấy cháu tiến bộ, nhiều người trong xóm đã dẫn con đến nhờ cô Lý kèm giúp. Lớp học ban đầu chỉ 1 - 2 học sinh, vậy mà có những lúc đông lên đến 20 cháu.

Món quà của “Trạm yêu thương” sẽ phần nào tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo Lý trong hành trình theo đuổi ước mơ đầy nhân văn của mình. Ảnh: VTV

Lớp học tình thương được khởi đầu chỉ với số học sinh ít ỏi, thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, số học sinh theo học cô Lý đã lên tới cả trăm em. Để đảm bảo điều kiện học tập cho các cháu, cô Lý đã phân chia thành các ca học để từ đó có thể quan tâm, chỉ bảo các em nhiều hơn.

Không có công việc ổn định và hàng tháng vẫn phải lên bệnh viện lấy thuốc uống, thế nhưng các lớp học của cô Lý đều là miễn phí: “Có lẽ tôi phải cảm ơn các phụ huynh vì đã tin tưởng giao con cho mình kèm cặp. Nhờ có các con mà cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa và nhiều màu sắc hơn. Chính các con đã giúp tôi có thêm động lực để theo đuổi đam mê dạy học này.

Cô giáo Phạm Thị Lý cho biết thêm, sẽ không ngừng trau dồi kiến thức để có thể truyền dạy cho các em một cách tốt nhất, giúp đỡ nhiều bạn nhỏ hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học chữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn