MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những bữa tiệc tất niên kéo dài khiến nhiều người ngán ngẩm. Ảnh: Hoàng Anh

Từ chối tham gia tiệc tất niên: Làm sao để không mất lòng?

Hải Ngọc LDO | 16/01/2023 19:00

Những bữa tiệc tất niên kéo dài là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tuy nhiên, việc từ chối tham gia tiệc tất niên là điều mà không phải cũng làm được.

Tháng không ăn cơm nhà

Khoảng giữa tháng Chạp là lúc bắt đầu những bữa tiệc tất niên. Tiệc tất niên thường được tổ chức ở các cơ quan đoàn thể, hội nhóm, các khu phố...

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với hoạt động này, thậm chí có nhiều người còn tìm cách né tránh và từ chối việc tham gia tất niên.

Chị Nguyễn Phương Thu (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng 2 tuần, chồng chị sẽ không ăn cơm nhà. Trong khoảng thời gian này, các con chị sẽ không được gặp bố mỗi ngày. Bởi lẽ, chồng chị sẽ đi tất niên về muộn, lúc đó các con đã đi ngủ. Sáng sớm, các con dậy đi học thì bố vẫn còn đang say giấc.

Chị Thu cho biết, do chồng kinh doanh nên nhiều mối quan hệ, vì thế, vào mỗi dịp cuối năm, các hội nhóm tổ chức liên hoan tất niên nên chồng chị buộc phải tham gia. Có những hôm đi tất niên về, chồng trong tình trạng say mềm người, không nhận thức được gì khiến chị vô cùng bực bội.

Còn anh Huỳnh Ngọc Quốc, hiện đang làm nhân viên của một cơ quan nhà nước cấp quận tại Hà Nội. Năm nào cũng vậy, tháng này là tháng anh Quốc không ăn cơm nhà. Hết các phòng ban của quận lại đến phường mời. Chưa kể tiệc của các phòng ban đơn vị trong quận, cấp phường đã có hơn chục phường, tương đương với hơn chục bữa tiệc trải đều từ đầu tháng.

Anh Huỳnh Ngọc Quốc chia sẻ: "Nhiều khi thèm cơm mẹ nấu, muốn về ăn với bố mẹ bữa cơm nhưng do tiệc tất niên dày đặc nên tôi không về nhà ăn cơm được. Từ chối cũng không được vì nhiều nơi mời nhiệt tình quá. Họ cho rằng, cơm nhà ăn hằng ngày còn tất niên cả năm chỉ có 1 lần.

Vì thế, tôi khó lòng mà từ chối. Nhiều hôm trong một buổi chiều mà phải "chạy sô" dự ba tiệc là chuyện thường tình. Không đi thì sợ mất lòng".

Không chỉ riêng trường hợp của anh Huỳnh Ngọc Quốc hay vợ chồng chị Thu mà nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình trạng "tháng không ăn cơm nhà".

Những cuộc tiệc tùng tất niên nối nhau, hết giờ làm là có mặt ở nhà hàng, vì thế mà việc trở về nhà ăn cơm gia đình là điều khó khăn trong những ngày này.

Làm sao để nói lời từ chối

Việc tham gia tiệc tất niên tưởng chừng như không tốn kém nhưng thực chất đã trở thành mối lo của nhiều người. Bởi họ phải bỏ tiền túi để đóng góp kinh phí tổ chức, bỏ thời gian để tập tành văn nghệ, đầu tư trang phục đi dự tiệc. Từ chối tham gia tiệc tất niên vì sợ tốn kém là tâm lý của nhiều người. 

Không ít người cho rằng không nên quá đặt nặng hình thức khi tham gia sự kiện này để không biến niềm vui thành áp lực. Và cần biết từ chối khéo nếu mình không thể tham gia được bữa tiệc với lý do chính đáng. 

Có nhiều cách để có thể "né" tiệc tất niên mà không bị trách móc như có thể đến tham dự một khoảng thời gian ngắn để chứng minh mình đã có mặt ở bữa tiệc đó. Trong khoảng thời gian ngắn, hãy cố gắng vui vẻ nhưng sau đó, để cho mọi người biết rằng, bạn phải rời đi sớm. Ngay cả khi bạn không thể ở lại, mọi người sẽ đánh giá cao việc bạn đã cố hết sức để ghé qua.

Đưa ra lý do mình đã có công việc, kế hoạch được xây dựng từ trước và bạn không thể bỏ được kế hoạch đó. Chỉ người bạn cố chấp lắm mới cố gắng ép buộc bạn hủy bỏ các kế hoạch bạn đã thực hiện với người khác để đến bữa tiệc của họ.

Đưa ra lý do sức khỏe cũng là một sự lựa chọn thông minh. Bởi không ai ép một người ốm tham gia những cuộc vui cả. Những người trong bữa tiệc cũng hoàn toàn có thể thông cảm và chấp nhận được lý do này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn