MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh cứu bé gái rơi từ tầng 12 của một chung cư khiến không ít người cảm phục.. Ảnh: Phạm Chiểu.

Từ việc anh tài xế cứu bé gái: Nghĩ về "người đàn ông lầm lì" của gia đình

ĐÔNG DU LDO | 01/03/2021 15:33

Câu chuyện kỳ diệu của anh tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh cứu bé gái rơi từ tầng 12 của một chung cư khiến không ít người cảm phục. Và từ đó, nhiều người nghĩ về bố - người đàn ông lầm lì, ít nói trong gia đình của mình.

Có thể nói câu chuyện cứu bé gái rơi từng tầng 12 một chung cư của anh Nguyễn Ngọc Mạnh - một tài xế xe tải đã truyền cảm hứng sống cho không ít người. Người ta gọi anh là "người hùng" bởi sự dũng cảm, tinh thần "tương thân tương ái" của anh với gia đình bé gái nói riêng và với cộng đồng nói chung.

Anh nói nguồn động lực thôi thúc mình cứu người chính là nhìn thấy bé gái ấy như con gái của mình ở nhà và vội vã tìm mọi cách để giúp. Và sau hành động được tán dương ấy, người đàn ông dũng cảm lại run sợ và vội vã tìm về nhà để gặp con gái.

Có lẽ hơn ai hết, một người khi đã trở thành bố như anh Nguyễn Ngọc Mạnh càng thấu hiểu hơn về trách nhiệm về niềm hạnh phúc khi mình trở thành trụ cột của gia đình, của con cái. Và đó cũng là nguồn động lực to lớn để một người bố như anh làm được những điều kỳ diệu.

Ngẫm nghĩ lại trong cuộc sống của chúng ta, mối quan hệ giữa người bố và con cái thường không được nhắc đến quá nhiều như mẹ. Và hơn nữa, không phải ai cũng có thể bước qua ngại ngần để chạy đến bên bố, nói một điều rằng: "Con yêu bố!".

Bởi tự bao giờ, con cái luôn có xu hướng gần gũi với mẹ hơn vì mẹ là người tâm lý, nhẹ nhàng và tinh tế. Trong khi các ông bố đa phần là người lầm lì, ít nói và không thích thể hiện tình cảm ra bên ngoài.

Nhưng bố luôn là người chọn cách quan tâm âm thầm dành cho con. Khi con té ngã, bố không lo sốt vó như mẹ nhưng lại là người chịu khó thức suốt đêm để xem con có bớt đau chưa.

Khi con về trễ vì những buổi hẹn hò bạn bè, những buổi tiệc sinh nhật, bố không hối thúc như mẹ nhưng lại người âm thầm đợi con về rồi mới yên tâm đi ngủ.

Khi con phải đi học xa nhà, bố không bịn rịn, rơi nước mắt như mẹ nhưng khi quay lưng lại, ông không giấu những nỗi buồn, những sự lo lắng.

Cuộc sống của người bố là thế, không giỏi để diễn tả tình cảm của mình. Trong cuộc sống này, nếu hỏi "có ai thương con nhiều nhất" thì đôi khi người bố chỉ đứng sau mẹ chứ không ai khác có thể thay thế vị trí, vai trò và tình cảm của ông trong lòng các con.

Và hơn nữa, tình cảm của bố bộc lộ mạnh mẽ nhất là khi chúng ta đứng giữa những biến cố, những giờ phút sinh tử của cuộc đời. Bố thường là người hi sinh, người là điểm dựa để chắp cánh cho chúng ta trên bước hành trình nhiều chông gai của mình.

Dĩ nhiên, cuộc sống luôn có những điều ngoại lệ và không bao giờ cũng như ý. Nhưng khi nhìn lại câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, nhiều người thấy thêm nhiều điều tốt đẹp, tích cực đang hiện hữu trong cuộc sống. Và cũng từ câu chuyện này, có lẽ chúng ta cũng sẽ hiểu phần nào về "người đàn ông lầm lì" của gia đình.

Tin chắc một điều rằng, những người bố như anh Nguyễn Ngọc Mạnh sẽ là một điều tự hào, hãnh diện của con cái. Và cũng tin rằng khi con gái của anh Mạnh lớn lên, được nghe ai đó kể về câu chuyện năm xưa bố mình từng cứu bé gái rơi từ tầng 12 sẽ khiến cô tự hào về người hùng của cuộc đời mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn