MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ vụ nhà Lê Dương Bảo Lâm: Làm sao để con trẻ không nói tục, chửi bậy

Hương Lê LDO | 04/05/2023 15:36

Tranh cãi nổ ra từ sự vụ gia đình diễn viên Lê Dương Bảo Lâm, nhiều khán giả để lại bình luận, cảnh báo rằng, trẻ con đang ngày càng nói tục, chửi bậy, dùng tiếng lóng... ở độ tuổi rất sớm. 

Mới đây, nam diễn viên Lê Dương Bảo Lâm đã đăng tải video về con gái thứ hai của mình lên mạng xã hội. Trong video, khi bé gái được mẹ hỏi "Con ơi. Đi học nhé con", bé gái hồn nhiên đáp lại bằng từ ngữ "C** ***". Nhiều người bày tỏ rằng từ ngữ đó không phù hợp, hay nói cách khác là những từ bậy không nên nói và đặc biệt là khi trả lời bố mẹ.

Tranh cãi nổ ra từ sự vụ gia đình diễn viên Lê Dương Bảo Lâm, nhiều khán giả để lại bình luận, cảnh báo rằng, trẻ con đang ngày càng nói tục, chửi bậy, dùng tiếng lóng... ở độ tuổi rất sớm. 

Ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát tháng 12.2017 của Bộ GD-ĐT cho thấy có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự báo cáo rằng mình thường xuyên nói tục chửi bậy. 

Còn theo nhận định của PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng những con số này mới là phần nổi của tảng băng trôi.

Tiến sĩ Lưu Song Hà, Viện Tâm lý học cho biết, theo khảo sát số học sinh có hành vi lệch chuẩn đang tăng lên cả về số lượng và mức độ, trong đó có nhiều hành vi đáng báo động như quấy rối, làm mất trật tự trường lớp, nói dối, văng tục,...

Nguyên nhân do đâu?

Theo Washington Post, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nói tục, chửi bậy sớm ở trẻ em. Một trong số những nguyên nhân nổi bật đó là bắt nguồn từ gia đình.

Nhiều phụ huynh chưa thật sự làm gương trong nuôi dạy con trẻ, vẫn còn vô tư văng tục, chửi thề một cách thoải mái trước mặt con, vấn đề này khá nghiêm trọng.

Khi trẻ còn nhỏ, trẻ giống như những chiếc máy hút bụi ngôn ngữ, hút càng nhiều từ càng tốt, mà những từ chửi bậy thì lại mang sắc độ nặng, dễ thu hút trẻ.

Việc trẻ nhỏ chửi thề thực ra là trẻ đang khám phá ngôn ngữ. Vì đang học cách sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp nên trẻ em bắt chước các từ để tạo ra âm thanh và để xem những người xung quanh sẽ phản ứng như thế nào. 

Nhưng khi trẻ lớn hơn, nhận thức dần hoàn thiện mà bố mẹ vẫn có thói quen nói tục trước mặt con thì càng làm con coi việc nói tục, chửi bậy là bình thường và dần hình thành thói quen này từ bé.

Một nguyên nhân khác khiến trẻ chửi bậy, nói tục sớm còn đến từ bạn bè, trường học. Ở trường học mặc dù đều có quy định học sinh không được nói tục, chửi thề nhưng việc này dường như chưa thực sự đủ uy lực.

Nhiều trẻ coi nói tục là một cách thể hiện mình, thể hiện bản lĩnh, việc nghe và tiếp xúc với những người chửi bậy thường xuyên sẽ khiến trẻ có xu hướng làm và nói theo.

Ở nhiều trường học, việc học sinh vi phạm nói tục, chửi thề vẫn chưa được xử lí nghiêm minh với những biện pháp giáo dục phù hợp, vì thế việc trẻ nói tục vẫn còn diễn ra thường xuyên và có xu hướng trẻ hóa.

Làm gì khi phát hiện con trẻ nói tục, chửi bậy?

Theo Nationwide Childrens, khi thấy con trẻ nói tục, chửi bậy, phụ huynh có thể tham khảo những cách sau.

Tìm hiểu nguyên nhân: Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao con nói tục để tìm cách uốn nắn thay vì nổi nóng, quát mắng trẻ. Đa số trẻ chửi bậy trong lúc tức giận và đôi khi việc trẻ em chửi thề vì chúng muốn bày tỏ cảm xúc mà chưa biết dùng từ vựng nào để làm điều đó. Chúng ta có thể dạy cho con những từ ngữ phù hợp và giải pháp thay thế.

Ví dụ có thể nói "Mình giận quá!" hay "Con muốn ra ngoài" thay vì thốt ra những lời lẽ khiếm nhã.

Thảo luận về hậu quả của việc chửi bậy: Khi mọi người đã bình tĩnh, hãy nói chuyện với con bạn về hậu quả của việc chửi thề. Chẳng hạn, nói tục chửi bậy sẽ khiến cho hình ảnh của con xấu đi, biến con thành những đứa trẻ thiếu học thức và bị đánh giá là vô văn hóa.

"Con xinh đẹp như vậy, có lý nào lại dùng ngôn ngữ xấu, bẩn?" - là một gợi ý về cách bạn trò chuyện cùng con.

Hãy lí giải cho con hiểu lí do tại sao chửi thề là một vấn đề, từ nào không phù hợp, từ nào được phép sử dụng và hậu quả nào nếu sử dụng từ không phù hợp. 

Cha mẹ cần làm gương: Trẻ phải được uốn nắn từ trong gia đình, cha mẹ phải là người làm gương. Vì thế chính cha mẹ cũng cần kiểm điểm và hạn chế lại bản thân, không nên nói tục, chửi bậy trước mặt các con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn