MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao người già dễ mắc bẫy lừa đảo?

Thúy Ngọc (Theo Market Place) LDO | 02/02/2023 13:35

Người từ 65 tuổi trở lên có xu hướng sử dụng smartphone, máy tính bảng để đọc báo, chơi game, liên lạc với bạn bè và mua sắm trực tuyến. Do đó, người cao tuổi đang trở thành mục tiêu mới của các đối tượng lừa đảo.

Đại dịch lừa đảo

Judy, 79 tuổi, nhưng nhìn chỉ như mới ngoài 60. Cơn ác mộng đến với Judy từ 5 năm trước. Vào một ngày năm 2017, người phụ nữ sống tại New Jersey, Mỹ nhận điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên hỗ trợ công nghệ máy tính. Người này thông báo cần truy cập máy tính của bà để sửa lỗi gì đó.

Kẻ lừa đảo này sau đó toàn quyền quản lý máy tính của Judy, mở ra một cửa sổ giống như thông báo về tài khoản ngân hàng của bà tại Mỹ. Tài khoản lẽ ra phải có 29.819 USD (gần 700 triệu đồng) bà hoảng sợ khi thấy thông báo số dư gần như bằng 0.

Judy bị "thao túng tâm lý" để tin rằng nếu bà đưa tiền cho "nhân viên" kia, tài khoản sẽ trở lại như cũ. Anh ta yêu cầu bà đến các siêu thị mua thẻ quà tặng và quy đổi giá trị qua điện thoại. Chỉ trong nửa tháng, Judy đi đi về về hàng chục lần đến các siêu thị để mua tới 100 quà tặng trị giá đến 165.970 USD (hơn 3,8 tỉ đồng).

Nhưng đó chưa phải tất cả. Kẻ lừa đảo tiếp tục dụ Judy chuyển đến 45.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) tới một công ty ở Nepal. Mọi chuyện có thể tồi tệ hơn, nhưng may mắn một ngân hàng đã lấy lại gần 25.000 USD (khoảng 580 triệu đồng) cho Judy sau khi biết bà bị lừa đảo.

Tổng cộng, Judy mất đến 196.000 USD (hơn 4,5 tỉ đồng). Tất cả là tiền rút từ khoản tiết kiệm, lương hưu, thẻ tín dụng... Đến phút cuối, kẻ lừa đảo cho hiển thị một tờ séc trị giá 200.000 USD (gần 4,7 tỉ đồng) viết tên Judy và hứa rằng nếu bà chuyển nhiều tiền hơn, khoản tiền sẽ trở lại tài khoản của bà. Lúc này, Judy như tỉnh ra, chặn mọi kênh liên lạc với hắn ta. Nhưng tiền của bà đã bị rút cạn.

Judy không phải trường hợp cá biệt. Tại Mỹ, mỗi năm có hàng trăm nghìn người cao tuổi trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo. Theo Hiệp hội Hưu trí Mỹ (AARP), tính riêng năm 2022 các nạn nhân đã mất hàng triệu USD vào những bẫy lừa đảo. 

Theo báo cáo cập nhật vào tháng 10.2022 của Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ (FTC), người tiêu dùng từ 60 tuổi trở lên tố cáo hơn 467.000 vụ lừa đảo, với tổng cộng hơn 1 tỉ USD bị chiếm đoạt trong năm 2021. Dù tỉ lệ người bị lừa đảo từ 60 tuổi trở lên ít hơn so với người trưởng thành (18 - 59 tuổi), số tiền bị lừa trung bình lại cao hơn nhóm này.

"Loại tội phạm này lây lan đến mức dường như trở thành một đại dịch", Kathy Stokes, Giám đốc Phòng chống gian lận tại AARP, cho biết. Nạn nhân không chỉ gặp nguy hiểm về tính mạng mà còn chịu những tác động tiêu cực về tinh thần và sức khỏe.

AARP thống kê bốn loại hình lừa đảo phổ biến nhất nhắm vào người cao tuổi là lừa đảo tình ái, lừa đảo mua sắm trực tuyến qua hệ thống giả mạo, giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc cán bộ nhà nước.

Người từ 65 tuổi trở lên có xu hướng sử dụng smartphone, máy tính bảng... nhiều hơn để đọc báo, chơi game, liên lạc với bạn bè và mua sắm trực tuyến. Do đó, người cao tuổi đang trở thành mục tiêu mới của các đối tượng lừa đảo. Ảnh: Xinhua

Nguyên nhân và cách đề phòng

Vậy tại sao người cao tuổi dễ bị tổn thương trước nạn lừa đảo? Vì sao họ không nhận ra rằng "hoàng tử Nigeria" hoặc "chương trình xổ số Jamaica" đó chỉ là trò bịp và không nên tin?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người cao tuổi trở thành con mồi dễ ăn của những kẻ trộm cắp tinh vi thời nay. Một trong những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là người già thường sống cô đơn và tách biệt - thực tế rất nhiều người già không được con cháu, người thân quan tâm sát sao. Chỉ cần một cuộc điện thoại chuyên nghiệp, từ một người có tính tình niềm nở có thể lừa gạt nạn nhân bằng những ngôn từ quan tâm, cảm giác gần gũi.

Một yếu tố rất quan trọng khác cần được xét đến là người già có xu hướng bị suy giảm nhận thức do tuổi cao, bệnh tật... Ít nhất một phần ba người từ 85 tuổi trở lên mắc chứng mất trí nhớ ở một số dạng, Forbes trích dẫn. Nghiên cứu cho thấy, bệnh Alzheimer có thể làm suy giảm khả năng phán đoán về tài chính đầu tiên trong giai đoạn mắc bệnh ban đầu.

Một lý do khác khiến người cao tuổi dễ mắc bẫy lừa đảo chính là cảm giác bất an về tài chính. Trải qua những giai đoạn khó khăn của thời cuộc, họ có thể lo sợ rằng khoản tiết kiệm hiện tại hoàn toàn có nguy cơ mất đi trong nay mai, hoặc không có đủ tiền để sống no đủ dài lâu. Điều đó có thể đẩy họ vào cám dỗ kiếm thêm càng nhiều tiền càng tốt khi không còn nguồn thu nhập nào khác, hoặc đơn giản là tội phạm luôn biết cách đánh vào lòng tham của con người.

Vậy bản thân người cao tuổi và gia đình của họ có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ mắc bẫy lừa đảo? Báo cáo của FTC cho thấy hình thức lừa đảo phổ biến nhất là qua điện thoại, thứ hai là qua những website trực tuyến. Do đó, chuyên gia khuyến cáo không tiếp những cuộc gọi quảng cáo, không chuyển tiền cho người lạ, không thanh toán dịch vụ gì bằng thẻ quà tặng... 

Còn với gia đình có người cao tuổi, con cháu nên thường xuyên trò chuyện với cha mẹ, ông bà hàng ngày để họ chia sẻ khi có điều gì khác thường xảy đến như thông báo giải thưởng, trúng xổ số, bốc thăm may mắn, bưu kiện từ người lạ...

Bên cạnh đó, cách tốt nhất để giữ an toàn cho những khoản tiền của người lớn tuổi chính là giám sát hoạt động chi tiêu trực tuyến của họ. Những đứa con trưởng thành có thể là tuyến phòng thủ duy nhất của người cao tuổi trước hàng loạt bẫy lừa đảo tinh vi thời hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn