MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lá mùi già được nhiều người mua về để tắm ngày 30 Tết. Ảnh: Hoài Anh

Vì sao nhiều người mua lá mùi già về đun nước tắm ngày 30 Tết?

Hải Ngọc LDO | 21/01/2023 11:23

Vào mỗi chiều 30 Tết, nhiều gia đình thường mua lá mùi già về đun nước tắm - điều này đã được duy trì từ xưa và được lưu giữ đến tận ngày nay. 

Theo sách "Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII", người Việt quan niệm, tất niên là kết thúc năm cũ để chuẩn bị đón năm mới. Tắm tất niên chính là “tống cựu nghinh tân”, chào đón cái mới với nhiều hy vọng về sự may mắn.

Người xưa quan niệm rằng, việc tắm lá mùi thơm có ý nghĩa đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành.

Bó mùi già với quả, hoa được cho vào nồi nước đun sôi lên tạo nước xanh với hương thơm tỏa ra một mùi thơm ngát rất dễ chịu.

Mùi thơm của nước tắm tạo cảm giác thư thái và khi tắm người ta thấy dường như không chỉ thân thể được sạch sẽ, tâm hồn cũng được “thanh tẩy” trở lên sảng khoái, tinh khiết hơn.

Con người chúng ta sau một năm vất vả và vướng bẩn bụi trần ai cũng muốn thân thể mình sạch sẽ, gột rửa đi mọi ưu phiền của năm cũ để chào đón một năm mới với nhiều thành công và niềm vui mới.

Tắm lá mùi thơm có ý nghĩa đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ. Ảnh: Hoài Anh

Mùi thơm của nước tắm tạo cảm giác thư thái và khi tắm người ta thấy dường như không chỉ thân thể được sạch sẽ, tâm hồn cũng được “thanh tẩy” trở lên sảng khoái, tinh khiết hơn.

Từ nhiều năm nay, bà Phan Thị Nhinh (65 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) luôn duy trì thói quen tắm lá mùi vào chiều 30 Tết cho cả gia đình. Cứ đến 30 Tết, bà sẽ mua 3 bó mùi về để cả nhà tắm. Theo bà Nhinh, chọn mua mùi để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía, khi đun lên, cho mùi thơm.

"Khi dùng lá mùi để tắm, cần rửa sạch sẽ, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun. Ngoài việc dùng để tắm, tôi còn nấu nước lá mùi ngày tất niên để xông nhà, cầu mong tài lộc cho năm mới" - bà Nhinh chia sẻ.

Theo Nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết, chiều tối 30 Tết, trước giao thừa, già trẻ lớn bé sẽ tắm lá mùi - đó là truyền thống từ xưa đến nay. Theo quan niệm, lá mùi sẽ giúp tẩy uế, tiễn những đen đủi của năm cũ đi.

Bên cạnh đó, lá mùi cũng có nhiều ý nghĩa về mặt khoa học, người Nhật đã nghiên cứu về lá mùi, lá mùi nếu ăn vào giúp tẩy sạch đường ruột và giúp bình ổn huyết áp, giúp tinh thần nhẹ nhàng hơn. Lá mùi cũng là đặc trưng, tạo nên hương vị của ngày Tết. Cứ thấy hương lá mùi là thấy Tết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn