MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao từ 70 tuổi trở đi mới là thời hoàng kim của đời người?

Thúy Ngọc (Theo Market Watch) LDO | 29/01/2023 15:31
Trả lời câu hỏi về chất lượng cuộc sống, những người 70 tuổi trở lên cho rằng họ hạnh phúc hơn so với người trẻ tuổi. 

Theo một cuộc khảo sát 2.580 người trưởng thành ở Mỹ của AARP - tổ chức phi lợi nhuận về người cao tuổi cho thấy 90% số người ở độ tuổi 70 cho biết họ hạnh phúc, so với 81% ở độ tuổi 60 và 80% ở độ tuổi 40.

Neil Wertheimer, biên tập viên ngoài 60 tuổi của AARP nhận định: “Có thể nói những năm 70 tuổi của đời người là thập kỷ vàng".

Theo Wertheimer, mức độ hạnh phúc và lạc quan của những người 70 tuổi cao vượt mong đợi. Điều này mở ra thông điệp rằng những người ở độ tuổi U80 hài lòng với cuộc sống hiện tại. Họ không mong đợi mọi thứ phải tốt đẹp hơn nữa vì đã tìm thấy mục đích sống của mình, học cách sống trong khả năng của mình.

Khoảng 51% những người được khảo sát ở độ tuổi 70 lạc quan về tương lai của họ. 10 năm ở tuổi "thất thập cổ lai hy” ít được chú ý hơn nhiều so với những năm 60 tuổi khi người ta bắt đầu về hưu, hoặc những năm 80 khi các vấn đề về sức khỏe, khả năng vận động và nhận thức phát sinh.

“Những năm 70 tuổi của chúng ta là khoảng thời gian không được chú trọng”, Karl Pillemer - bác sĩ lão khoa của Đại học Cornell, 67 tuổi, nhận định. Ông là tác giả của cuốn sách “30 bài học sống”, lãnh đạo The Legacy Project - một dự án thu thập những bài học trong cuộc sống của những người trên 65 tuổi.

Pillemer phân tích: “Khi xã hội quá phân biệt tuổi tác, mọi người hình dung cuộc sống sau 70 tuổi giống như phim kinh dị. Chúng tôi đã nghe đi nghe lại rằng hóa ra, đối với hầu hết mọi người, cuộc sống tuổi 70 tốt hơn nhiều - đó là một bất ngờ phi thường. Đó là khoảng thời gian tiềm năng, thực sự phong phú trong cuộc đời".

Những người 70 tuổi trở lên thường biết lựa chọn thái độ sống đúng đắn, biết đủ, biết thế nào là sống hạnh phúc trong khả năng của mình. Ảnh: Xinhua

Đối với Paul Irving - cựu Chủ tịch của Viện Milken thuộc trung tâm nghiên cứu về tương lai của người già, ví những năm 70 tuổi như ô cửa sổ giúp người ta nhận ra điều gì là quan trọng, điều gì thực sự có giá trị trong đời.

Irving - tác giả cuốn sách “Mặt trái của tuổi già”, người vừa bước sang tuổi 70, bày tỏ: “Tôi nghĩ mình có một khả năng khác biệt, tinh tế và sắc bén hơn so với khi tôi còn trẻ để nhìn thấu những khó khăn và tìm ra đáp án mà không bị rối trí trước tính chất phức tạp của công việc hay cuộc sống. Tôi nghĩ ai cũng vậy".

Pillemer nhận định, những năm 70 tuổi là thời điểm quan trọng trong đời để trải nghiệm những điều họ muốn và đặt nền móng cho phần còn lại một phần ba cuộc đời. “Người Mỹ ở độ tuổi 70 thường chọn tham gia vào các hoạt động có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn mà chính họ sẽ không thể sống đủ lâu để chứng kiến”.

Helen Dennis, nhà văn 81 tuổi của chuyên mục tổng hợp những câu chuyện về người cao tuổi thành công, đồng tình với quan điểm này. Ở tuổi 70, bà Dennis đã tự nhủ rằng mình sẽ dành thời gian và công sức cho những việc quan trọng, con người thú vị và tốt bụng, những người đang làm việc hăng say.

Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: Xã hội phát triển vượt bậc khi người cao tuổi trồng những cái cây cho bóng mát mà họ sẽ không bao giờ hưởng.

Với Douglas Kenrick, 74 tuổi, giáo sư tâm lý học xã hội tiến hóa của Đại học Bang Arizona, Mỹ, từ khi bước sang tuổi 70, ông không còn tìm kiếm hạnh phúc khi tự hỏi rằng mình nên tiêu tiền thế nào khi đi du lịch và mua cho bản thân thứ gì. Ông hướng đến câu hỏi: "Mình có thể làm gì cho mọi người?".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn