MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lo lắng vì dịch bệnh nên đi mua đồ ăn tích trữ. Ảnh: Tuệ Nhi

Vợ chồng cãi nhau vì tích trữ đồ ăn phòng dịch SARS-CoV-2

KHẢ HÂN LDO | 09/03/2020 20:17

Chồng thì muốn mua đồ tích trữ, trong khi vợ thấy việc này là không cần thiết. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, không ai thèm nói với ai lời nào.

Mấy ngày nay, trước diễn biến phức tạp của dịch SARS-CoV-2 (COVID-19), nhiều gia đình bắt đầu mua đồ ăn về tích trữ. Không ngoại lệ, vợ chồng chị Hiền, anh Tùng (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bàn nhau về chủ đề này.

Theo chị Hiền, sau khi TP.Hà Nội thông báo ca đầu tiên dương tính với virus dịch SARS-CoV-2 và là ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam trong đêm 6.3, chồng chị đã nhao nhao đòi đi mua hàng tích trữ. Nào là giấy vệ sinh, mì tôm, miến, gạo, đồ đông lạnh, trứng, lạc... được anh Tùng lũ lượt khuân về nhà.

"Hai vợ chồng vốn chỉ thuê một căn phòng trọ nhỏ chỉ khoảng 20m2 đã chật trội nay thêm đống đồ khiến chỗ ở như cái kho lưu trữ", chị Hiền kể.

Chưa dừng lại, ngay trong ngày thứ bảy (7.3) được nghỉ làm việc, anh Tùng tiếp tục khuân thêm nhiều loại hàng tươi sống khác như rau, củ, thịt, cá. Đồ ăn chất đầy tủ lạnh mà chỉ có 2 vợ chồng ăn tối cùng nhau ở nhà.

Mở tủ lạnh, chị Hiền chỉ biết thở dài: "Nhà có 2 người, chỉ ăn cùng nhau bữa tối, còn bữa sáng và bữa trưa thường ăn ở cơ quan rồi. Tôi không biết chỗ thực phẩm này sẽ ăn đến bao giờ cho hết, để lâu thì cũng bị mất chất dinh dưỡng. Tôi đã góp ý mà nói mãi chồng không nghe, vẫn cứ sợ dịch bệnh sẽ không có đồ ăn". 

Mì tôm, giấy vệ sinh, đồ ăn đóng hộp... là những mặt hàng được nhiều người dân mua về để dự trữ. Ảnh: Tuệ Nhi

Theo chị Hiền, chồng chị luôn lý giải rằng nhiều người đi mua thì mình cũng phải tích trữ đồ ăn. "Lỡ dịch bệnh ngày càng rộng hơn thì lấy gì mà ăn. Lúc đấy, đi mua hàng cũng sợ", chị Hiền thuật lại. Đồ ăn cứ tạm vơi đi, anh Tùng lại mua thêm về để đầy tủ lạnh nên hai vợ chồng ngày nào cũng phải ăn đồ cũ.

Góp ý nhiều không được, chị Hiền đâm ra cũng bức xúc trong người. Vì bất đồng quan điểm, hai vợ chồng dẫn đến cãi vã, “chiến tranh lạnh" mấy ngày nay. 

"Chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi chỉ âm thầm gửi cho anh mấy bài báo cơ quan chức năng khẳng định nguồn thực phẩm dồi dào nhưng anh vẫn im lặng không trả lời. Rõ ràng tôi thấy mình không sai nên cũng chưa nghĩ đến chuyện làm lành", chị Hiền nói.

Chưa cần thiết phải dự trữ thực phẩm

Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhiều hệ thống siêu thị đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. "Do các doanh nghiệp đã ký kết với các nhà sản xuất ở Đà Lạt và các tỉnh phía Nam nên nguồn cung dồi dào, đảm bảo giá cả ổn định" - ông Trần Duy Đông cho biết.

Không chỉ bán hàng trực tiếp tại chỗ, hình thức thương mại điện tử cũng là giải pháp tối ưu trong mùa dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn