MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vợ chồng ngày nào cũng cãi nhau có phải chuyện bình thường?

Thúy Ngọc (Theo Counselor for Couples) LDO | 12/01/2023 07:07
Có những cặp vợ chồng cãi nhau hàng ngày, một số lại không bao giờ to tiếng. Chuyên gia cho rằng, cãi nhau nhiều hay ít phụ thuộc vào quan điểm mỗi người.

Lisa Rabinowitz, cố vấn tâm lý được cấp phép tại Mỹ, có 10 năm kinh nghiệm tư vấn tình cảm cho các cặp vợ chồng và thâm niên 30 năm là chuyên gia tâm lý. Lisa tiết lộ, cô từng nghe rất nhiều câu hỏi xoay quanh chuyện tại sao vợ chồng cãi nhau và cãi nhau như thế nào. Dưới đây là những thắc mắc phổ biến nhất:

Vợ chồng hay cãi nhau vì chuyện gì nhất?

Đáp án là chẳng vì lý do gì. Nếu bình tĩnh xem xét lại, bạn sẽ nhận thấy vợ chồng hay cãi cọ vì những điều nhỏ nhặt như ăn tối ở đâu, đặt bàn lúc 6h hay 6h30 tối... Rất nhiều chuyện cỏn con trở thành vấn đề to tát khi hai người không thể hiểu nhau, không thể trao đổi rõ ràng.

Vợ chồng ngày nào cũng cãi nhau có phải chuyện bình thường?

Với vài cặp vợ chồng, cãi nhau hàng ngày là chuyện bình thường và họ không cảm thấy quan ngại về điều này.

Mặt khác, không ít vợ chồng sẽ lo lắng nếu ngày nào cũng cãi cọ và mức độ "hàng ngày" là không bình thường. Lisa sẽ đánh giá mức độ thoải mái đối với cường độ tranh cãi của hai người và tìm ra hướng thay đổi nếu họ muốn.

Cãi nhau thế nào là quá thường xuyên?

Chuyện này phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người - điều thường được hình thành dựa trên trải nghiệm thời thơ ấu. Vài cặp đôi không bao giờ thấy bố mẹ cãi nhau có xu hướng nghĩ rằng, chỉ cần một trận cãi nhau là chia tay. Một số cặp khác chứng kiến cha mẹ cãi nhau liên tục và giờ họ cũng vậy.

Còn một nhóm khác là những cặp đôi thấy cha mẹ cãi nhau quá nhiều, nảy sinh một suy nghĩ quyết tâm rằng, họ không bao giờ muốn lặp lại sai lầm của cha mẹ. Tuy nhiên, cuối cùng họ lại trở thành những ông bố bà mẹ cãi nhau y hệt phụ huynh của mình.

Vì sao vợ chồng cứ xa nhau là giận dỗi?

Một số đôi vợ chồng hay giận dỗi, cãi cọ hơn khi xa nhau vì thiếu đi giao tiếp bằng ánh mắt, đụng chạm cơ thể. Bởi đôi khi ở xa nhau, một người có thể cảm thấy thoải mái nhưng người còn lại thấy bất an, lo lắng tột độ. Lời khuyên của Lisa là vợ hoặc chồng cần nhận thức những gì bạn đời của mình cảm thấy hay trải qua khi cả hai xa nhau, từ đó tìm nguyên căn và giải quyết những cảm xúc tiêu cực.

Khi nào cãi nhau là trải nghiệm độc hại?

Dấu hiệu nhận biết một cuộc cãi nhau độc hại là xu hướng lấn át, thao túng tâm lý, lạm dụng, lừa dối, coi thường nhau hoặc tệ nhất là thói thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.

Một số dấu hiệu khác là bạn thường xuyên cảm thấy tinh thần và thể chất kiệt quệ sau những lần tương tác, trò chuyện với một nửa của mình.

Cãi thế nào cho đúng? Vợ chồng có cần 'chơi đẹp' khi cãi nhau không?

Đáp án là có, vì người bạn đang mâu thuẫn chính là bạn đời của mình. Đôi khi chúng ta có xu hướng nói với nhau như thể kẻ thù hơn là bạn bè, người yêu hay vợ chồng, bởi ai cũng muốn chứng minh bản thân đúng, không thể chịu thua kém. Nhưng đó là quan điểm sai lầm, vì trong một mối quan hệ, mỗi người phải biết bớt đi cái tôi của mình.

Để duy trì tình cảm lành mạnh, hai người đều phải quan tâm, chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau, và "chơi đẹp" khi cãi nhau là một phần quan trọng trong đó. Khi bất đồng quan điểm, bạn chỉ tập trung vào một vấn đề ở một thời điểm, nói chậm, lắng nghe với thái độ ghi nhận, không ngắt lời, không "sửa lưng" vợ hoặc chồng mình.

Cãi nhau có cần 'nghỉ giữa hiệp' hay không? Nếu có, vợ chồng nên đợi bao lâu để nói chuyện lại?

Vợ chồng cần biết điểm dừng khi mâu thuẫn lên cao trào, cả hai đều rối loạn với mớ cảm xúc hỗn độn. Một trong hai người cần biết khi nào là lúc nghỉ ngơi nếu cuộc trò chuyện đang vòng vo, không thể giải quyết ngay lập tức.

Thời gian lý tưởng để tạm dừng là 20 phút đến một tiếng để cả hai bình tĩnh lại. Tất nhiên, mọi nỗ lực bình tĩnh lại đều vô ích nếu suốt 20 phút đến một tiếng đó bạn chỉ nghĩ lại xem mình đã buồn đến mức nào, vợ hoặc chồng làm mình phải ấm ức ra sao... Thay vào đó, hãy thư giãn tâm trí và cơ thể bằng cách hít thở sâu, thiền, đi bộ, viết lách hay nghe nhạc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn